"Nội soi" sức khỏe tài chính của hai hãng bay lớn nhất Việt Nam

Dy Khoa | 22:51 17/09/2022

Vietnam Airlines, Vietjet Air chiếm phần lớn thị phần hàng không Việt Nam. Hai hãng bay có các diễn biến sức khỏe tài chính đáng chú ý.

"Nội soi" sức khỏe tài chính của hai hãng bay lớn nhất Việt Nam

Theo một báo cáo thị trường của Chứng khoán CSI, cả ngành hàng không Việt Nam được chia làm hai mô hình vận chuyển khác biệt: hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ, được đại diện bởi Vietnam Airlines và Vietjet Air nắm giữ thị phần cao nhất ngành.

Hiện tại, cả Vietnam Airlines (HVN) và Vietjet Air (VJC) đều là các công ty đại chúng, tình hình tài chính của những công ty như vậy sẽ tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Hai doanh nghiệp có khả năng chi phối thị trường hàng không nước nhà hiện tình hình tài chính như thế nào?

Vietnam Airlines: Lỗ lũy kế 29.000 tỷ đồng, kỳ vọng 2023 có lãi

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo lưu ý đến khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm. Hiện cổ phiếu này đang trong diện kiểm soát theo Quyết định số 359/QĐ-SGDHCM ngày 1/6.

Để khắc phục và đưa cổ phiếu HVN thoát diện kiểm soát được xem là rất khó. Báo cáo hợp nhất soát xét bán niên 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 5.000 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến ngày 30/6 gần 29.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỷ đồng.

Cũng trong báo cáo kiểm toán bán niên 2022, kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam có lưu ý: "Khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê. Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty". Đây là lưu ý rất quan trọng về tình hình hiện tại của Vietnam Airlines.

Hãng bay Vietnam Airlines kỳ vọng sẽ có lãi từ năm 2023. Ảnh: Dy Khoa.

Trong một buổi họp diễn ra giữa tuần này, đại diện Vietnam Airlines cho rằng nhìn vào báo cáo tài chính thì không có hãng nào có lãi nếu chỉ tính riêng kinh doanh vận tải hàng không đơn thuần.

"Hãng hàng không khác lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào kết quả từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác bổ trợ cho hoạt động vận tải hàng không và phương thức hạch toán được doanh nghiệp đó áp dụng. Trong khi đó, Vietnam Airlines cơ bản không có hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài vận tải hàng không." vị này lý giải.

Theo kế hoạch, mức lỗ cả năm 2022 của Vietnam Airlines có thể lên tới 9.335 tỷ đồng. Hãng coi con số này là mức trần nhưng chắc chắn sẽ giảm tốt hơn so với dự kiến đưa ra.

Về giải pháp khắc phục, giảm lỗ, đại diện hãng cho hay nửa đầu năm lỗ đã giảm đáng kể so với kế hoạch đặt ra (giảm lỗ được 1.440 tỷ đồng). Hãng cũng đẩy mạnh tái cơ cấu tài sản (trọng tâm là bán máy bay cũ, bán và thuê lại một số máy bay), danh mục đầu tư để có thêm nguồn tiền; từng bước triển khai tái cơ cấu tổng thể khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.

Vietnam Airlines kỳ vọng nếu không có các yếu tố bất thường xảy ra, hãng sẽ bắt đầu có lãi từ năm 2023.

Vietjet Air: Có lãi và chuẩn bị chào bán cổ phiếu

Theo Báo cáo tài chính bán niên 2022 sau kiểm toán của Công ty Cổ phần hàng không Vietjet (HoSE: VJC), doanh thu vận tải hàng không của hãng đạt 14.898 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80,33 tỷ đồng, lần lượt tăng 197% và 135% so với cùng kỳ 2021 và tăng so với báo cáo tự lập và so với cùng kỳ 2021.

Với kết quả kinh doanh hợp nhất, báo cáo ghi nhận doanh thu đạt 15.934,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỷ đồng, lần lượt tăng 111% và 19% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu và lợi nhuận hợp nhất điều chỉnh giảm, do lợi nhuận một giao dịch thương mại tàu bay hoãn lại, chuyển ghi nhận sang kỳ sau 275 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6, Vietjet có tổng tài sản là 62.669 tỷ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn chỉ ở mức 1,09 lần, chỉ số thanh khoản hiện hành đạt 1,49, nằm trong nhóm có chỉ số tốt trong ngành hàng không thế giới.

Hoạt động kinh doanh trong sáu tháng đầu năm 2022 của Vietjet Air ghi nhận kết quả tích cực nhờ vào nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt là các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 giai đoạn trước đại dịch Covid-19.

Trong năm nay, Vietjet Air là hãng hàng không tiên phong mở nhiều đường bay mới đến Ấn Độ. Ảnh: Dy Khoa.

Theo kế hoạch, Vietjet Air sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chi phí chặt chẽ và tiếp tục đẩy nhanh các dự án chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa chi phí hoạt động. Đồng thời, các hãng hàng không tiếp tục nhận được các chính sách thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay giảm từ 3.000 đồng/lít còn 1.000 đồng/lít… nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng.

Mới đây, hãng này đã thông báo triển khai chi tiết phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được, phương án đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài và danh sách đối tượng chào bán. Vietjet Air sẽ chào bán riêng lẻ 34,8 triệu cổ phiếu cho 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số cổ phần trên bằng 6,43% lượng đang lưu hành, sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, sẽ phát hành trong năm nay hoặc năm sau. Vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ tăng từ 5.416 tỷ đồng lên 5.764 tỷ đồng.

Số tiền thu được dự kiến là 4.698 tỷ đồng, sẽ được doanh nghiệp hàng không này sử dụng 1.136 tỷ đồng để mua tàu bay; 1.242 tỷ đồng để thuê, mua động cơ sửa chữa tàu bay và bổ sung 2.320 tỷ đồng bổ sung nguồn thanh khoản và vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Nội soi" sức khỏe tài chính của hai hãng bay lớn nhất Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO