Nới room tín dụng, giải ngân vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh

PV | 10:54 04/12/2022

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Nới room tín dụng, giải ngân vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh
NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hoà nguồn vốn, hướng giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Int)

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua theo dõi tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng cho thấy, đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5%, so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%. Điều này cho thấy, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

NHNN cũng nhắc nhở, việc tăng trưởng tín dụng phải trên cơ sở đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thời gian tới, NHNN sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và từng tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp theo chủ trương của Chính phủ.

Yêu cầu nới room tín dụng mới của NHNN vừa có ý nghĩa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế cuối năm, tạo thuận lợi mạnh cho các ngân hàng mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao và có thể thực hiện các chương trình giải ngân tín dụng ưu đãi như gói cấp bù lãi suất 2%, hay hạ chi phí lãi vay.

Trên thị trường, ghi nhận đã có những tín hiệu hạ lãi suất tại một vài ngân hàng. Các chuyên gia nhận định tiếp theo, khả năng sẽ là xu hướng giảm nhẹ lãi suất của các ngân hàng thương mại trên toàn hệ thống, bên cạnh thông tin nới “room” tín dụng đầy tích cực này.

Trước đó chia sẻ với MarketTimes, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết, việc nới room tín dụng cần dựa trên cân đối khác như lạm phát, tỷ giá hối đoái. Trong đó cần phải xem xét, nới room tín dụng có tác động như thế nào tới nền kinh tế. Mọi ngành cần phải hết sức thận trọng nới room tín dụng, đặc biệt trọng bối cảnh lạm phát.

Bởi hiện nay các ngân hàng hiện không có tiền cho vay, thanh khoản ngân hàng khá hạn chế. Các nước như Trung Quốc, Thái Lan tín dụng chỉ tăng trưởng 6-10%, Việt Nam 14%, đây là mức tương đối cao với thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay nới room tín dụng không giải quyết được vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải thậm chí nó ảnh hưởng rất lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.

“Tín dụng không nên duy trì quá cao, nó có tác động tổng tín dụng trên GDP sẽ không tốt cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải cho nền kinh tế và phải đảm bảo nguồn vốn đó đến được tất cả các doanh nghiệp, chứ không chỉ đến với một số doanh nghiệp nào đó”, TS. Lê Duy Bình nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nới room tín dụng, giải ngân vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO