Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi tăng dần từ năm 2020 và đạt mức cao kỷ lục 20,8% trong tháng 5. Điều này đặt ra thách thức đối với nỗ lực phục hồi hậu đại dịch của Bắc Kinh. Tỷ lệ này dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa trong tháng 7 và 8, khi có 11,5 triệu sinh viên ra trường.
Giám đốc Lu Feng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết thị trường việc làm của đất nước tỷ dân đang trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ năm 1978.
Song, ông Fu Linghui, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia cho rằng một số người đã hiểu sai về các con số. Ông lưu ý rằng chỉ có 33 triệu trong số 96 triệu người độ tuổi 16-24 hiện đang có việc làm, vì nhiều người đang là sinh viên. Trong số 33 triệu người đó, khoảng 1/5 là không tìm được việc.
Giám đốc Lu tin rằng sẽ mất ít nhất 2-3 năm để tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ giảm về mức cân bằng. Vì số lượng sinh viên đại học đông càng làm gia tăng áp lực việc làm, trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Ngoài ra, những người thất nghiệp trong thời kỳ đại dịch sẽ tái gia nhập thị trường việc làm, khiến sự cạnh tranh càng thêm gay gắt.
Giám đốc Lu lưu ý rằng cần chú trọng vào những điều chỉnh kịp thời và giải quyết các mối bận tâm của khu vực tư nhân. Vì họ sử dụng hơn 80% lực lượng lao động đô thị. Song, hoạt động kinh doanh đang chậm lại, cho thấy niềm tin yếu và đà phát triển chậm lại.
Việc kiểm soát trong lĩnh vực dạy thêm, bất động sản, internet đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình việc làm của người trẻ tuổi.
Ông nói thêm rằng các công ty nhà nước và khu vực công cũng nên tiếp tục tăng cường tuyển dụng, coi đó như một giải pháp tạm thời.
Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Larry Hu tại Macquarie Group cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kéo dài cho thấy vấn đề về niềm tin.
Ông nói: “Các công ty không muốn thuê vì nhu cầu của người tiêu dùng yếu, trong khi người tiêu dùng không muốn chi tiêu vì thị trường lao động yếu. Kết quả, chính sách là yếu tố duy nhất có thể thay đổi tình hình ở giai đoạn này”.
Theo SCMP