Nhiều người mua nhà tại thành phố Loudi, Trung Quốc, rơi vào cảnh khó khăn vì dự án nhà ở của Country Garden Holdings vẫn nằm “đắp chiếu”.
Country Garden từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Công ty này xin vỡ nợ vào năm ngoái và đang gánh nợ khoảng 194 tỷ USD.
“Nếu nhà chưa xây xong, con trai tôi không thể lấy vợ được”, một trong những người mua nhà cho biết.
Gần như ngày nào người đàn ông này cũng đến công trường xây dựng để kiểm tra tiến độ, nhưng không thấy dấu hiệu hoàn thành. Ở Trung Quốc, gia đình chú rể thường chuẩn bị nhà mới cho cô dâu trước khi cặp đôi kết hôn.
“Gia đình kia sẽ không đồng ý cuộc hôn nhân này vì nhà vẫn chưa hoàn thiện”, ông than thở.
Loudi là một thành phố có dân số 4,45 triệu người. Dự án nhà ở trên đã bị đình trệ từ hè 2023.
Một người phụ nữ họ Zhang đã mua một căn hộ với giá khoảng 1,5 triệu nhân dân tệ (5,1 tỷ VND) tại dự án này vì gần một trường học. Dưới lời kêu gọi của bà Zhang, những người mua nhà đã cùng nhau kiến nghị lên chính quyền địa phương 3 lần/tháng để chủ đầu tư phải tái khởi động dự án.
Dù thoạt nhìn dự án đã được khởi động lại, nhưng Country Garden đang thiếu tiền nên chỉ đưa một vài công nhân đến công trường. Điều này khiến một số người cho rằng đây chỉ là hành động nhằm xoa dịu người mua.
“Người mua nhà đến kiểm tra dự án còn nhiều hơn là công nhân”, bà Zhang cho biết.
Ông Wu, một người mua nhà khác, cũng tham gia kêu gọi chính quyền hoàn thành việc xây dựng càng sớm càng tốt.
“Chính quyền địa phương hứa rằng dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3, nhưng đến nay đã bị hoãn lại nhiều lần nên tôi thấy không thể tin được”, ông Ngô nói.
Tại Trung Quốc, doanh số nhà ở của 200 tập đoàn bất động sản lớn đã giảm gần 30% vào năm ngoái và giảm 70% so với mức đỉnh năm 2020.
Theo ước tính của UBS, trên khắp Trung Quốc, 745 triệu mét vuông dự án xây dựng đang bị đình trệ, tương đương với 7,45 triệu ngôi nhà rộng 100 mét vuông. Nếu 3 người sống trong 1 nhà, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 22 triệu người.
Ông Zhang cho biết chính quyền địa phương đã trả lời khiếu nại của người dân, nói rằng việc mua nhà là “hoạt động đầu cơ”.
Chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố rằng nhà là để ở, không phải để đầu cơ. Các hạn chế chặt chẽ hơn đối với hoạt động vay mượn được coi là đã góp phần gây ra suy thoái bất động sản tại Trung Quốc.
“Chúng tôi chỉ muốn có một nơi để ở”, ông Zhang nói. “Không hề có bất kỳ ý định đầu cơ nào”.
Theo Nikkei Asia