Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay tăng trưởng của tín dụng bất động sản đang ghi nhận mức thấp hơn so với tăng trưởng chung.
Dư nợ tiêu dùng và tự sử dụng bất động sản, chiếm đến 65% tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).
Ở chiều ngược lại, dư nợ kinh doanh bất động sản trong nửa đầu năm 2023 đã tăng với mức là 17,41%, vượt xa so với tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%).
Những diễn biến trên cho thấy sức cầu yếu trên thị trường khi người dân giảm nhu cầu mua bất động sản dẫn đến việc các doanh nghiệp khó bán được hàng để thu tiền về trả nợ các nghĩa vụ tài chính đến hạn (gồm trái phiếu, tín dụng,…).
Nhận định về những diễn biến trên thị trường tín dụng liên quan đến bất động sản, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nợ xấu ngân hàng gia tăng là điều tất yếu và thực tế, khi thị trường bất động sản đang trong giai đoạn đi xuống. Trước đó, vào giai đoạn 2011 - 2012, đã có nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong thời kỳ nợ xấu tăng cao bởi thị trường địa ốc bất động sản vỡ nợ.
Trên thị trường, việc cho phép các doanh nghiệp gia hạn thời gian trả nợ trái phiếu và giãn, hoãn nợ cũng được coi là một giải pháp tình thế giúp hạn chế tình trạng nợ xấu gia tăng.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, so với thời điểm cuối năm ngoái, việc nợ xấu ngân hàng tăng là điều có thể hiểu được. Tình trạng nợ xấu sẽ tăng dần khi các chủ đầu tư bất động sản và người vay mua bất động sản không thể trả nợ do khó khăn trong việc bán bất động sản, dẫn đến quá hạn trả nợ.
Ngân hàng “rủ nhau” thanh lý tài sản nhưng "không dễ"
Báo cáo tài chính Quý II/2023 của các ngân hàng cho thấy tình hình nợ xấu đang tăng cao. Do vậy, vừa qua đã có nhiều ngân hàng lớn tăng cường thúc đẩy việc rao bán các tài sản thế chấp, trong đó gồm bất động sản nhằm thu hồi nợ.
Vừa qua, loạt ngân hàng lớn, bao gồm cả những “ông lớn” trong nhóm “Bif4” như VietinBank, Vietcombank, Agribank cũng vừa thông báo về việc bán các khoản nợ nghìn tỷ đồng của dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà đất tại nhiều địa phương trên cả nước.
Đơn cử, Ngân hàng Công Thương (VietinBank) vừa thông báo rao bán Khu A của Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia diện tích gần 6.000 m2 cũng đã được thu hồi cho khoản nợ 540 tỷ của Marina Hotel.
Tại Hội An, mới đây, Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng. Trong đó có hai khách sạn 4 sao với quy mô 98-104 phòng được VietinBank chào đồng giá 420 tỷ đồng cho mỗi bất động sản.
Ngoài ra, nhà băng này cũng siết nợ hàng loạt khách sạn 4-5 sao, homestay, biệt thự tại các thành phố du lịch khác như Đà Nẵng, Nha Trang... Cụ thể, tại Đà Nẵng có một khách sạn 5 sao xây dựng trên diện tích hơn 1.200 m2, quy mô 236 phòng, được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank) đã thông báo về việc rao bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp, tổng số dư nợ đạt gần 500 tỷ đồng. Những khoản nợ này đã được thế chấp bằng các lô đất tại các dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (Phú Quốc).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thường xuyên thông báo về việc bán nợ và đấu giá tài sản. Nhiều tài sản đã được đưa ra đấu giá nhiều lần nhưng vẫn chưa có khách mua. Một số khoản nợ của các công ty đạt mức hàng trăm tỉ đồng như khoản nợ từ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm, với mức giá khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến tháng 3/2023 lên đến 582 tỷ đồng.
Liên quan đến động thái “ráo riết” của các ngân hàng trong việc thanh lý các tài sản bảo đảm là bất động sản, dự án bất động sản các chuyên gia đánh giá là khá khó khăn khi thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam vẫn chưa được định hình và còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc AFA Capital cho rằng, dự thảo luật sửa đổi về các tổ chức tín dụng sửa đổi, giá mua bán nợ xấu cần phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam hiện vẫn chưa có thị trường mua bán nợ xấu.
Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia, việc bán các tài sản đảm bảo, đặc biệt là các khoản nợ lớn, cần được tiến hành theo giá thị trường. Điều này rất khó thực hiện trong tình hình thị trường bất động sản đóng băng. Hơn nữa, việc xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi nợ còn nhiều vướng mắc, bao gồm sự không đồng nhất trong hành lang pháp lý cho quá trình xử lý nợ, chưa có sự đồng bộ và thống nhất trong cách thức thực hiện.