Những tồn tại của thị trường bất động sản

Xuân Hồng | 14:49 25/11/2021

Thị trường bất động sản Việt Nam đang có một số tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ để thị trường phát triển trong thời gian tới.

Những tồn tại của thị trường bất động sản
Một số doanh nghiệp bất động sản đang huy động trái phiếu với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro trong thanh toán.

Ngày 25/11, tại hội thảo về “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã nêu một số tồn tại của thị trường bất động sản.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 trong năm 2021 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản cả nước.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay nguồn cung sản phẩm bất động sản mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Số lượng dự án và căn hộ thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai chỉ tương đương năm trước với 254 dự án, với khoảng 82.258 căn.

Lượng giao dịch bất động sản cũng chỉ bằng khoảng 80% so vời cùng kỳ năm 2020.

Nhấn mạnh đến những tồn tại, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chỉ ra.

Đầu tiên chính là sự chồng chéo, bất cập nhất định trong hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Mặc dù thời gian qua chúng ta đã cố gắng xây dựng, sửa đổi pháp luật về bất động sản nhưng vẫn còn nhiều điểm vẫn phải tiếp tục sửa đổi.

Thứ hai là cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, dư thừa bất động sản cao cấp, thiếu hụt lớn ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhà ở giá hợp lý cho các đối tượng thu nhập thấp.

Hiện nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Tính đến hết quý 3/2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn với tổng diện tích hơn 7.100.000m2, đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 mặc dù đã gần hết năm 2021.

Tiếp đến là tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các địa phương còn rất chậm. Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay tại các đô thị trên cả nước vẫn còn khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tương đương hơn 3 triệu m2 sàn với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống, chủ yếu tập trung tại một số địa phương.

Riêng Hà Nội có 1.579 nhà chung cư, Thành phố Hồ Chí Minh 575 nhà chung cư, Hải Phòng 205 nhà chung cư, Quảng Ninh 60 nhà chung cư, Phú Thọ 23 nhà chung cư, Nghệ An 22 nhà chung cư...

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh thêm, đáng chú ý là hoạt động về giao dịch bất động sản còn lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt. Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản còn tồn tại nhiều bất cập.

“Chúng ta chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Vẫn còn hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng... gây “sốt ảo” để tạo chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường…”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh lưu ý.

Thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận đã thông qua các dự án bất động sản, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua.

Rồi việc lợi dụng các thông tin về quy hoạch, về nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thổi giá, gây sốt ảo bất động sản…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sinh, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng.

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp đang huy động trái phiếu với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro trong thanh toán.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những tồn tại của thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO