Xu hướng giảm trên thị trường vàng có vẻ khó đảo ngược sau khi giá giảm xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce, và hiện vẫn quanh mức thấp nhất kể từ tháng 3/2023 – giai đoạn thị trường chịu tác động từ khủng hoảng ngân hàng Mỹ.
Sau 9 phiên giảm liên tiếp, giá vàng giao ngay kết thúc tuần này (thứ Sáu, 18/8) ở nức 1.887,79 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 ở mức 1.916,5 USD.
Giá vàng giảm cũng phù hợp với thực tế là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và chỉ số đồng USD (Dollar index) đều tăng 5 tuần liên tiếp và hiện đang ở mức cao. Giá vàng đã bắt đầu xu hướng giảm từ giữa tháng 7 khi đồng USD tăng giá.
Giá vàng liên tục giảm từ giữa tháng 7.Trong nước, giá vàng DOJI ngày 19/8 ở mức khoảng 66,95 - 67,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), vàng SJC 67,05 - 67,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) và PNJ khoảng 67,05 - - 67,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không thay đổi nhiều so với cách đây một tuần.
Phillip Streible, chiến lược gia trưởng về thị trường của Blue Line Futures (trụ sở ở Chicago) cho biết "Vàng dường như không phải là một loại tài sản lý tưởng trong môi trường hiện tại", và phải cạnh tranh khó khăn với những tài sản đầu tư có lợi suất cao đến 4-5% “như trái phiếu”.
Các dữ liệu gần đây nhìn chung cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với bán lẻ tăng 0,7% trong tháng 7, cao hơn so với dự đoán, cho thấy người tiêu dùng nước này vẫn mạnh tay chi tiêu bất chấp lạm phát tăng và chi phí đi vay cao. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp của Mỹ và tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất trong tháng 7 cũng vượt dự đoán, thúc đẩy Dollar index gần chạm 104 điểm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần trong tuần vừa qua giảm xuống 239.000, cho thấy thị trường lao động vẫn trong tình trạng khan hiếm.
Tuần trước, dữ liệu lạm phát của Mỹ cũng cho thấy CPI tháng 7 ở mức 3,2%, CPI lõi ở mức 4,7%, mặc dù thấp hơn so với lần lượt 3,3% và 4,8% dự kiến, nhưng là tháng lạm phát tăng trở lại đầu tiên kể từ tháng 7/2022 và vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), gây áp lực cho Fed trong việc phải hành động hơn nữa để kiểm soát lạm phát.
Theo trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Bank, Ole Hansen: "Vàng có thể tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hút nhu cầu từ các nhà đầu tư cho đến khi có điều gì đó xảy ra, chẳng hạn như thông qua một sự kiện tín dụng, đồng đô la yếu đi hoặc niềm tin rằng FOMC đã chuyển trọng tâm sang việc cắt giảm lãi suất".
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện gần đạt 4,25%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2022, và gần sát mức cao nhất 15 năm đạt được ở giai đoạn đó. Lợi suất trái phiếu kho bạc cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng – vốn không mang lại lợi suất, khiến các nhà đầu tư giảm chi tiền vào kim loại này. Thêm vào đó, lãi suất của Mỹ có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng, càng gây bất lợi cho vàng.
Trong khi đó, đồng USD tăng giá 5 tuần liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất trong vòng 15 tháng, do nhu cầu đối với tài sản an toàn này tăng lên trước những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và đặt cược rằng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao. Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng 0,5% trong tuần qua, có lúc đạt 103,680, mức cao nhất trong vòng 2 tháng.
Những rắc rối kinh tế của Trung Quốc ngày càng sâu sắc và lo ngại gia tăng về rủi ro vỡ nợ trong lĩnh vực ngân hàng ngầm của nước này càng khiến dòng tiền của nhà đầu tư quay trở lại với USD. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đầu tuần vừa qua đã bất ngờ cắt giảm lãi suất, làm gia tăng khoảng cách lãi suất so với Mỹ.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của Convera cho biết: “Đồng đô la tiếp tục củng cố đà phục hồi này. “Với việc nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt hơn nhiều so với dự kiến, khiến thị trường đẩy lùi khung thời gian mà Fed có thể sẽ nới lỏng chính sách.”
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư vàng có tâm lý chờ đợi và quan sát. Các nhà đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu bổ sung có thể giúp họ hiểu rõ hơn về định hướng chính sách tiền tệ sắp tới của Fed. Do đó, giá vàng trong tuần tới dự báo sẽ không có nhiều biến động, có thể giảm nhưng sẽ không giảm nhiều trước khi diễn ra Hội nghị Jackson Hole của lĩnh vực ngân hàng, nơi sẽ có bài phát biểu của Chủ tịch Fed cũng như các cuộc thảo luận của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới về các vấn đề kinh tế. Các chiến lược gia của Macquarie dự đoán giá vàng sẽ được hỗ trợ ở mức trên 1.840 USD/ounce.
Bên cạnh việc theo dõi Hội nghị chuyên đề thường niên Jackson Hole, thị trường vàng tuần tới sẽ theo dõi những dữ liệu kinh tế mới của Mỹ, trong đó có chỉ số sản xuất và doanh số bán nhà. Các nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm những ‘rạn nứt’ trên thị trường lao động Mỹ để xác định chính sách lãi suất của Fed. Đồng thời các dữ liệu sản xuất PMI của các nền kinh tế phương Tây cũng sẽ được các nhà đầu tư theo dõi sát sao.
Công cụ FedWatch của CME dự đoán đã chuyển mốc dự đoán lãi suất của Mỹ bắt đầu giảm từ tháng 9/2023 lùi sang tháng 5 hoặc 6/2024. Từ nay đến lúc đó, dự đoán lãi suất của Fed sẽ giữ trong khoảng 5,25 – 5,5%. Chừng nào lãi suất của Fed còn tăng hoặc duy trì ở mức cao thì thị trường vàng vẫn chịu áp lực.
Nhìn chung, những ‘cơn gió ngược ngắn hạn’ dự báo sẽ tiếp tục cản trở thị trường vàng. Tuy nhiên, về dài hạn, các nhà phân tích vẫn đánh giá tích cực về thị trường này.
Các chiến lược gia tại Macquarie cho biết: “Chúng tôi vẫn kỳ vọng tình trạng giảm phát và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ dẫn đến việc Fed nới lỏng chính sách, từ đó sẽ hỗ trợ vàng”. Nhu cầu ổn định, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ, cũng hỗ trợ triển vọng tăng giá này. Ngoài ra, căng thẳng leo thang liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine và sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể góp phần hỗ trợ giá vàng.
Nhìn chung, các chuyên gia dự đoán giá sẽ vượt qua 2.100 USD vào đầu năm 2024, với một số dự đoán sẽ tăng lên 2.500 USD vào cuối năm, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất. UOB dự đoán giá vàng sẽ lập kỷ lục mới vào giữa năm 2024.
Tham khảo: Kitco, Fxstreet