Nhu cầu vay tiêu dùng sẽ tăng cao sau dịch

Hoàng Đàn | 23:17 29/10/2021

Tỷ lệ nợ xấu bình quân của 12 công ty tài chính là hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tăng từ mức 6% vào cuối năm 2020 lên mức 9-10% vào cuối tháng 9/2021.

Nhu cầu vay tiêu dùng sẽ tăng cao sau dịch
Công ty tài chính bị khống chế hạn mức tín dụng thấp làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng về quy mô và điều hòa tỷ lệ nợ xấu.

Nội dung trên được thể hiện trong Báo cáo về tình hình hoạt động 9 tháng của 12 công ty tài chính là hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính sẽ tiếp tục tăng

Theo báo cáo, hiện tổng vốn điều lệ của 12 công ty tài chính này là 22.195 tỷ đồng, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.

Tính đến cuối tháng 9/2021 tổng tài sản của các công ty tài chính hội viên, trừ Handico đang diện kiểm soát đặc biệt và PTFinance chưa cung cấp số liệu là 151.000 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với cuối năm 2020.

Tổng dư nợ tín dụng so với cuối năm 2020 gần như không tăng trưởng khi vẫn loanh quanh ở con số 129.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu bình quân đã tăng từ mức 6% vào cuối năm 2020 lên mức 9-10%.

Nguyên nhân là do đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương. Đây là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 thời gian qua nên doanh số giải ngân và thu nợ của các công ty tài chính suy giảm, có công ty còn tăng trưởng âm.

Điển hình như Fe Credit có khoảng 400.000 khoản vay với trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng đang được hưởng lãi suất ưu đãi. Công ty SHB Finance đã hỗ trợ cho 3.995 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ được cơ cấu là 104 tỷ đồng. Công ty MB SHINSEI hỗ trợ cho 18.493 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là hơn 381 tỷ đồng…

Ngoài ra, việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc của các công ty tài chính thường rất lớn do lượng khách hàng cá nhân lớn tuy nhiên việc phân loại này lại đang phải làm thủ công. Hiện chưa có phần mềm phù hợp nên khó khăn cho công tác phân loại và khó tránh sai sót.

Theo thống kê sơ bộ, các công ty tài chính tiêu dùng đã cơ cấu nợ cho khoảng trên 30.000 khách hàng với số dư nợ cơ cấu lại khoảng 1.000 tỷ đồng. Các công ty tài chính cũng miễn giảm lãi cho khoảng 36.000 khách hàng, với số tiền miễn giảm lãi khoảng 600 tỷ đồng…

“Mặc dù từ đầu năm đến nay các công ty tài chính cũng đã tích cực miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng dự kiến đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính hội viên sẽ tiếp tục tăng…”, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng lưu ý.

Covid – 19 đẩy nhiều người dân cách xa cơ hội tiếp cận vốn

Theo phản ánh của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện các công ty tài chính đang lên tiếng về những vướng mắc liên quan đến các văn bản pháp lý như Nghị định 39/2014/NĐ-CP, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN và Thông tư 18/2019/TT-NHNN chưa đưa ra cơ chế phân loại rõ ràng về cho vay tiêu dùng và vay phục vụ đời sống.

Những vướng mắc liên quan đến quy định về tổng dư nợ và tỷ lệ tối đa cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng chưa phù hợp với nhu cầu người vay. Quy định về chỉ tiêu an toàn, tỷ lệ nợ xấu, quy định nội bộ chưa phù hợp với đặc thù và tính chất hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng và mức độ rủi ro của khách hàng…

Một khó khăn nữa là các công ty tài chính đang bị khống chế hạn mức tín dụng thấp. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng về quy mô và điều hòa tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính.

Một số công ty tài chính đã kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước việc rà soát lại các quy định pháp luật liên quan và điều chỉnh cho phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng.

Sau khi dịch Covid – 19 được kiểm soát, do người dân vừa gánh chịu những tổn thất năng nề và để hồi phục lại cuộc sống, khôi phục kinh doanh cần một lượng vốn nhất định.

Bên cạnh đó, những tàn phá của dịch Covid – 19 đã đẩy nhiều người dân cách xa khỏi cơ hội tiếp cận vốn từ các ngân hàng… do đó dự báo nhu cầu vay qua công ty tài chính sẽ tăng cao.

Để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường vay tiêu dùng thời gian tới, các công ty tài chính mong muốn được rộng room tín dụng, nới lỏng các quy định như quy định về tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhu cầu vay tiêu dùng sẽ tăng cao sau dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO