Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán: Phạt nhẹ nên vẫn “làm liều”?

Hoàng Nguyên | 19:31 29/10/2021

Khi hình phạt không đủ sức răn đe, tình trạng “biết luật mà vẫn phạm luật” vẫn sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên.

Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán: Phạt nhẹ nên vẫn “làm liều”?
Trong vài năm gần đây, UB Chứng khoán Nhà nước cũng đã tăng cường rà soát và ra quyết định xử phạt các hành vi vi phạm.

Khá hiếm vụ việc vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán bị khởi tố hình sự tại Việt Nam, nhưng thực tế trên thị trường không ít vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhà đầu tư…

Dồn dập vi phạm trong công bố thông tin giao dịch cổ phiếu

Mới đây, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Thaiholdings do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Theo đó, Công ty cổ phần ThaiHoldings (Công ty), tổ chức liên quan của ông Nguyễn Đức Thụy - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (mã chứng khoán: LPB) đã mua 145.600 cổ phiếu LPB (tương ứng 1.456.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu LPB) vào ngày 06/5/2021 và đã bán 719.400 cổ phiếu LPB (tương ứng 7.194.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu LPB) vào ngày 16/6/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Với hành vi này, Thaiholdings nhận mức phạt 260 triệu đồng, đây là mức trung bình của khung phạt từ 220 triệu đồng đến 300 triệu đồng theo quy định tại Điểm g Khoản 2 và Khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Trong giai đoạn từ 6/5/2021 đến 16/6/2021, thị giá của LPB đã tăng đến 35%. Nếu làm một phép tính đơn giản, chỉ với việc bán số cổ phiếu đã mua ngày 6/5 nhưng không thông báo trước, Thaiholdings đã có ngay khoản lợi nhuận 1 tỷ đồng. Cùng với đó, giai đoạn tháng 5 cũng là thời điểm LPB tăng giá mạnh mẽ nhất và đạt đỉnh lịch sử trong phiên ngày 3/6. Từ đó đến nay, cổ phiếu này đang giảm dần và hiện được giao dịch quanh ngưỡng 21.000 đồng/cổ phiếu, như vậy thời điểm bán cổ phiếu của Thaiholdings nằm trong giai đoạn lý tưởng nhất để giao dịch LPB.

Trước đó ngày 14/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa ra quyết định xử phạt một cá nhân có liên quan đến người nội bộ của LPB với mức phạt 15 triệu đồng. Từ ngày 05/03/2021 đến ngày 11/03/2021, bà Đinh Như Quỳnh là người có liên quan của bà Lê Thị Thanh Nga - Phó Tổng Gíam đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (mã chứng khoán: LPB) đã bán 31.600 cổ phiếu LPB (tương ứng 316.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu LPB) nhưng ngày 12/04/2021, HoSE mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch của bà Đinh Như Quỳnh.

Thực tế, tình trạng này diễn ra khá nhiều trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó một đợt xử phạt gây chú ý là việc một cá nhân bị phạt gần 1 tỷ đồng. Đó là ông Trần Ngọc Bê (Hà Nội) - người có liên quan đến Chủ tịch VPBank. Trong tháng 1/2021, ông Bê đã mua hơn 1,48 triệu và bán 59 nghìn cổ phiếu VPB; sau đó trong tháng 2/2021, ông tiếp tục mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB; sang ngày 3/3/2021, ông Bê mua thêm 59.000 cổ phiếu VPB. Toàn bộ những giao dịch trên đều không được công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Đáng nói, đến tháng 4, VPB chính thức thông tin về việc bán cổ phần tại FE Credit đã đẩy thị giá cổ phiếu ngân hàng này tăng mạnh.

Chờ đợi những động thái kiểm soát mạnh mẽ hơn

Những trường hợp trên đều được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử dựa vào khung phạt ở Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và hầu hết các mức phạt đều không đáng kể so với lợi nhuận thu về được sau khi hoàn tất giao dịch. Ngoài ra, các hình thức xử phạt bổ sung cũng không thường được áp dụng vào các trường hợp vi phạm, ví dụ Khoản 7 Điều 33 quy định: Đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch khi thực hiện giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng; Đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn từ 03 tháng đến 05 tháng đối với hành vi không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch khi thực hiện giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên.

Ở các giao dịch trên, yếu tố người có liên quan cần được xem xét kỹ khi có khả năng liên quan tới việc sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dường như chưa có một vụ việc nào bị xử lý với nguyên do này và cũng không nhiều trường hợp bị xử lý hình sự do thao túng thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, nhiều thực tế cho thấy có hành vi vi phạm nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng có động thái xử lý.

Ví dụ Khoản 1 Điều 10 Nghị định 156 quy định: Phạt tiền từ từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi đưa ra nhận định hoặc đảm bảo với nhà đầu tư về giá chứng khoán trong tương lai, về mức thu nhập, lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư hoặc đảm bảo không bị thua lỗ, trừ trường hợp chào bán trái phiếu không chuyển đổi ra công chúng. Thực tế trên thị trường chứng khoán, tình trạng các lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra cam kết hoặc tiết lộ mục tiêu giá cổ phiếu là không hề hiếm.

Nổi bật nhất là trường hợp Công ty Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (DXS), tại buổi roadshow quảng bá trước IPO, lãnh đạo doanh nghiệp đã khẳng định mức giá chào sàn dự kiến là 4x, cao hơn so với mức giá IPO là 32.000 đồng/cổ phiếu. Thông tin này từ chính lãnh đạo doanh nghiệp đã giúp đợt IPO của DXS thành công với 70 triệu cổ phiếu nhanh chóng được bán hết.

Thế nhưng, “trái đắng” mà nhà đầu tư tin lời đảm bảo này nhận về là thực tế phũ phàng với việc DXS chào sàn vẫn chỉ là 32.000 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay, DXS còn thậm chí chưa vượt qua được mức giá IPO. Hay nổi cộm là trường hợp ông Đỗ Thành Nhân chia sẻ trên Facebook cá nhân về triển vọng giá cổ phiếu thuộc nhóm “Louis”, dù sau đó đã được xóa đi…

Trong vài năm gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã tăng cường rà soát và ra quyết định xử phạt các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư vẫn cho rằng, mức xử phạt đưa ra vẫn còn quá nhẹ so với khoản lợi nhuận thu được của các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Hoặc như việc đối xử không công bằng với những người cùng sở hữu chứng khoán, cung cấp thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư ở mức độ không giống nhau hoặc không cùng thời điểm cũng vốn đã được nằm trong luật, tuy nhiên các doanh nghiệp dường như không quan tâm đến những điều khoản trên.

Ở các nước khác, các vụ vi phạm trên thị trường chứng khoán bị xử phạt nặng và trở thành các vụ việc điển hình mang tính răn đe đối với các đối tượng tham gia thị trường. Thị trường chứng khoán Mỹ là điển hình của việc độ minh bạch cao, khó thao túng do quy mô thị trường lớn, khung phạt cho các hành vi thao túng, làm giá cổ phiếu hay giao dịch nội gián đều rất nghiêm về cả dân sự lẫn hình sự. Dù vậy đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng như trên, SEC cũng mất vài năm để thu thập đủ chứng cứ vi phạm.

Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam, quy mô và mức độ minh bạch đều còn rất hạn chế. Trong vài năm gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã tăng cường rà soát và ra quyết định xử phạt các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư vẫn cho rằng, mức xử phạt đưa ra vẫn còn quá nhẹ so với khoản lợi nhuận thu được của các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Khi hình phạt không đủ sức răn đe, tình trạng “biết luật mà vẫn phạm luật” vẫn sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên. Do đó, nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn mong chờ phía cơ quan quản lý có những động thái mạnh mẽ và toàn diện hơn để xử lý các hành vi sai phạm, mang lại tính minh bạch và lành mạnh cho thị trường.


(0) Bình luận
Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán: Phạt nhẹ nên vẫn “làm liều”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO