Ngân hàng thương mại không còn là nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu Chính phủ

Xuân Hồng | 15:46 27/10/2021

Thông tin từ Vụ Tài chính ngân hàng - Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 9/2021, Bộ Tài chính huy động được 237.714 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 63,73% kế hoạch năm.

Ngân hàng thương mại không còn là nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu Chính phủ
Bộ Tài chính sẽ điều hành việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ phù hợp với nhu cầu chi tiêu và đầu tư của ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, trong đó có 89,45% khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ 10 năm trở lên.

Tính chung, kỳ hạn phát hành bình quân khoảng 13,21 năm, tăng 0,08 năm so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,5 năm so với năm 2016. Đây được xem là kỳ hạn phát hành bình quân ở mức cao.

Trong khi đó lãi suất phát hành bình quân thấp nhất từ trước đến nay với khoảng 2,26%/năm, thấp hơn từ 0,09% đến 0,4%/năm so với những kỳ phát hành với cuối năm 2020 và thấp hơn 4,3%/năm so kỳ phát hành cuối năm 2016. Việc này đã tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, góp phần tăng tính bền vững của danh mục nợ trái phiếu Chính phủ.

Hiện nay, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đang là 2,12%/năm, kỳ hạn 15 năm là 2,35%/năm.

Cũng theo Vụ Tài chính ngân hàng, cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu Chính phủ trong 9 tháng đầu năm 2021 cũng được cải thiện theo hướng tăng tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư dài hạn, giảm tỷ trọng của ngân hàng thương mại.

Các ngân hàng thương mại không còn là nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 9 năm 2021, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của nhà đầu tư dài hạn là 55% và tỷ lệ này đã được duy trì từ thời điểm cuối năm 2020 đến nay, tăng 11% so với thời điểm cuối năm 2016, còn các ngân hàng thương mại đang năm giữ 45%.

Như vậy các nhà đầu tư dài hạn đang đóng vai trò chủ yếu trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Trong những tháng còn lại của năm 2021 Bộ Tài chính còn nhiều việc để làm trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ để hoàn thành kế hoạch cả năm 2021.

Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, thanh khoản trên thị trường thứ cấp chưa ổn định, chịu ảnh hưởng, tác động mạnh của thị trường tiền tệ, ngoại hối, lạm phát có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm, để hoàn thành kế hoạch huy động vốn trái phiếu Chính phủ trong các tháng cuối năm 2021 vẫn còn phải theo dõi chặt chẽ thị trường.

Tuy nhiên, để chủ động trong công tác điều hành, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, rà soát, lập kế hoạch các dự án triển khai khả thi để sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả…

Trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ điều hành việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ phù hợp với nhu cầu chi tiêu và đầu tư của ngân sách Nhà nước cũng như điều kiện thị trường.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục huy động vốn trái phiếu Chính phủ gắn với tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ theo hướng bền vững.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ để nâng cao khả năng huy động vốn cho ngân sách Nhà nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng thương mại không còn là nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO