Nhóm tác giả của một bài báo được công bố gần đây, đến từ các tổ chức gồm Trường Quản lý Yale, Trường Wharton, Quỹ Carnegie và Trường Kinh tế Kyiv, đã đưa ra cảnh báo về tình hình kinh tế của Nga. Trong khi đó, quốc gia này vẫn ghi nhận những con số tăng trưởng mạnh mẽ kể từ sau khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022.
Năm nay, kinh tế Nga được dự báo sẽ tăng trưởng 2,4%, theo số liệu từ IMF. Tuy nhiên, phần lớn đà tăng trưởng được thúc đẩy bởi việc Điện Kremlin chi tiêu mạnh tay và nền kinh tế nước này đang bị cản trở bởi một số vấn đề có thể gây khó khăn về lâu dài, theo các nhà nghiên cứu.
Nhóm này viết trong một bài bình luận đăng trên Tạp chí Fortune: “Trên thực tế, tình hình kinh tế Nga phức tạp và đáng lo ngại hơn nhiều. Yếu tố cốt lõi tạo năng suất cho nền kinh tế Nga đã suy yếu nghiêm trọng.”
Một số nhà kinh tế cho biết, Nga đã chi tiêu mạnh tay cho các lĩnh vực quân sự và quốc phòng, ghi nhận ngân sách cho lĩnh vực quân sự cao kỷ lục vào năm 2024. Tuy nhiên, số khác chỉ ra rằng, các khoản chi tiêu đó đã khiến khu vực tư nhân của nước này chịu ảnh hưởng, khi một số mảng gặp khó khăn do thiếu nhân sự, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên được chuyển hướng đến lĩnh vực quân sự.
Các công ty tư nhân Nga đang có dấu hiệu không thể đáp ứng kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Tình trạng mất cân bằng đó đã khiến tiền lương và lạm phát tăng cao, khiến NHTW Nga phải tăng lãi suất lên 18% vào tháng 7.
Chi phí đi vay cao hơn có thể là vấn đề lớn với người tiêu dùng Nga, khi họ đang gánh khoản nợ ngày càng lớn. Theo dữ liệu của CEIC, nợ hộ gia đình chiếm 20% tổng GDP của Nga vào cuối quý I. Các nhà nghiên cứu cho biết, lãi suất cao hơn trong bối cảnh hiện tại có thể khiến Nga đối diện với rủi ro của một cuộc khủng hoảng.
Ngoài ra, tình hình tài chính của Nga cũng không ổn định, một phần vì quốc gia này thu về ít tiền hơn từ hoạt động bán dầu khí. Các nhà nghiên cứu chỉ ra, thâm hụt ngân sách của Nga là 2%, đây là con số “không nhỏ” theo tiêu chuẩn của nước này.
Nhóm viết: “Nhìn chung, khả năng hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Nga phần lớn là điều khó diễn ra, vì chi tiêu chính phủ không bền vững và ảnh hưởng bởi các yếu tố thị trường ngắn hạn.”
Các nhà nghiên cứu nhận định, khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra do những vấn đề trong chiến lược hiện tại của Nga, điều này có thể tạo tiền đề cho những rủi ro lớn, dài hạn trong những năm tới.
Các chuyên gia đã cảnh báo về triển vọng không mấy khả quan với kinh tế Nga sau khi mâu thuẫn với Ukraine xảy ra. Các dự báo cho rằng nước này có thể đối diện với rủi ro suy thoái và hầu hết đều có quan điểm không lạc quan về triển vọng tăng trưởng dài hạn của Nga.
Tham khảo BI