Nhóm ngành nào được kỳ vọng "nổi sóng" sau khi Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất điều hành?

Dương Ngọc | 18:43 19/03/2023

Mặt khác, ông Bùi Văn Huy cho biết ảnh hưởng từ động thái của FED đến thị trường không còn quá quan trọng như năm 2022.

Nhóm ngành nào được kỳ vọng "nổi sóng" sau khi Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất điều hành?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành kể từ ngày 15/3. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong 2 năm gần đây. Trong lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 9 năm ngoái, các loại lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động đã tăng 0,3-1% một năm.

Trái với lần hạ nhiệt lãi suất này, năm 2022 vừa qua đã chứng kiến 2 lần NHNN tăng lãi suất điều hành để ứng phó với lạm phát là đợt nâng 23/9 và 25/10. Trong thống kê của ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, không ít nhóm ngành giảm mạnh chỉ sau 1 tháng diễn ra động thái nâng lãi suất của NHNN.

Cụ thể tại đợt nâng lãi suất 23/9, Dịch vụ tài chính là nhóm có mức giảm mạnh nhất tới -29,77%; theo sau là nhóm thiết bị y tế, hóa chất, kim loại,… đều chứng kiến mức giảm sâu trên 25%. Ngoài ra, nhóm bán lẻ cũng giảm tới 24%.

Với đợt nâng ngày 25/10, chỉ sau 1 tháng nhóm bán lẻ tiếp tục sụt giảm mạnh thêm -26,8%; nhóm bất động sản bớt tệ hơn giảm -10,97% và Dịch vụ tài chính giảm nhẹ 2,41%.

Từ phản ứng của các nhóm ngành sau đợt nâng lãi suất năm trước, chuyên gia DSC tư duy ngược, rằng nếu xuất hiện “sóng” trong ngắn hạn khi lãi suất hạ nhiệt, Chứng khoán, Bán lẻ và Bất động sản sẽ là 3 nhóm ngành dự báo bật tăng trở lại.

Với tầm nhìn trung hạn, ông Huy vẫn cho rằng năm 2023 là năm đánh dấu điểm xoay chiều của thị trường và bối cảnh vĩ mô. Thị trường chứng khoán có thể đi trước. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên dịch chuyển dần sang nhóm các cổ phiếu chu kỳ, tiêu biểu và quen thuộc là “bank – chứng – thép”. Với ngành ngân hàng, trong ngắn hạn có thể chịu ảnh hưởng tâm lý từ sự kiện SVB và bảng cân đối kế toàn của các Ngân hàng cần được xem xét lại cẩn trọng.

Nhìn rộng ra trên thế giới, dù FED có quan điểm cứng rắn, song ông Huy lại cho rằng đó là điều rất bình thường ở thời điểm hiện tại. Bởi FED nói chung và ông Powell nói riêng đã rất nhiều lần “việt vị” khi nói về lạm phát trong năm 2022. Thái độ nghiêm túc và có phần thận trọng của họ ở thời điểm hiện tại không có gì đáng ngại.

Theo quan điểm cá nhân của vị chuyên gia, ảnh hưởng của FED đến thị trường ở đoạn này không còn quá quan trọng như năm 2022. Một cách đơn giản, như năm 2022, tăng 0,5% hay 0,75% ở vùng lãi suất 2-3% thì là rất nhiều. Nhưng hiện tại tăng 0,25% hay 0,5% ở vùng lãi suất quanh 5% thì mức độ áp phê đã giảm đi nhiều.

Mặt khác, nhận định về phản ứng của thị trường chứng khoán trước bối cảnh lãi suất hạ nhiệt, ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập FIDT cho rằng đây là kênh đầu tư cực kỳ nhạy cảm và tương quan nghịch với lãi suất. Trong ngắn hạn, chuyên gia cho rằng thị trường sẽ phản ứng hưng phấn trước thông tin này. Nhìn về lịch sử, sau những quyết định hạ lãi suất, thị trường có thể kéo dài xu hướng tăng trong ít nhất 1 tháng sau đó", ông Huỳnh Minh Tuấn chia sẻ. 

Về hành động cho nhà đầu tư, chuyên gia cho rằng điểm sáng hiếm hoi của thị trường được nâng đỡ bởi chính sách. Do đó, với những nhà đầu tư mạo hiểm, nếu có niềm tin vào sự đảo chiều của chính sách thì có thể giải ngân "bắt đáy". Ngược lại, những nhà đầu tư có chiến lược thận trọng hơn thì nên kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhóm ngành nào được kỳ vọng "nổi sóng" sau khi Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất điều hành?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO