Ngân hàng nào ở Việt Nam không đặt KPI lợi nhuận với nhân viên?

An Vũ | 15:14 05/11/2022

Các tổ chức, doanh nghiệp thường sử dụng KPI ở nhiều cấp độ khác nhau để đánh giá mức độ thành công của họ đối với một mục tiêu đề ra từ trước. Bên cạnh đó, KPI cũng được sử dụng để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân trong tổ chức.

Ngân hàng nào ở Việt Nam không đặt KPI lợi nhuận với nhân viên?

KPI là viết tắt của Key Performance Indicator, là chỉ số đánh giá thực hiện công việc, là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc được thể hiện qua số liệu, tỷ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ánh hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoặc bộ phận chức năng hay cá nhân.

Với những tổ chức tài chính lớn như ngân hàng, KPI là câu chuyện tất yếu để đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của hệ thống, nhất là trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay. KPI trong ngân hàng được cụ thể hóa thành văn bản cho từng cá nhân cho tới từng Bộ phận, Phòng, Ban.

Vậy nhưng có một ngân hàng đứng ngoài những áp lực về KPI lợi nhuận, đó là Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.  

Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện các nghiệp vụ: huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn uỷ thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội. 

Trụ sở chính của Ngân hàng CSXH hiện nay nằm tại số 169, phố Linh Đường, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Nói về mạng lưới, NHCSXH có các điểm giao dịch bao phủ 100% xã, phường trong cả nước, kể cả những khu vực vùng sâu, xa nơi mà những ngân hàng thương mại bình thường sẽ không đặt phòng giao dịch.

Khác với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, NHCSXH là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Hình ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Chính Phủ

Các chương trình cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội bao gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Cho vay giải quyết việc làm; Cho vay vốn đi xuất khẩu lao động; Cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; Xây mới, cải tạo hoặc sửa chữa nhà để ở; Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; Cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; Cho vay nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL; Cho vay Doanh nghiệp nhỏ và vừa (KfW); Cho vay trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất.

Mặc dù đối tượng cho vay của NHCSXH có năng lực tài chính kém hơn rất nhiều so với đối tượng khách hàng của các Ngân hàng thương mại nhưng tỷ lệ nợ xấu của NHCSXH thấp hơn so với rất nhiều NHTM.

Đến 30/6/2022, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 0,7%/tổng dư nợ. Đó là thông tin được ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH cho biết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022 diễn ra ngày 2/7.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 286.169 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2021. Trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 28.394 tỷ đồng, tăng 3.692 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 273.541 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. 

Tổng doanh số cho vay toàn hệ thống đạt 62.966 tỷ đồng, tăng 14.968 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, với gần 1,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. 

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 495,9 nghìn lao động, giúp hơn 3,1 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 12,8 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 921 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 703 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 4,4 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng nào ở Việt Nam không đặt KPI lợi nhuận với nhân viên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO