Nhảy vọt 23 bậc trên BXH thế giới ở một chỉ số quan trọng, Trung Quốc thay đổi thế nào sau 10 năm?

PV | 15:11 30/08/2023

Theo thông tin từ Đài phát thanh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG), Trung Quốc là một trong những nước thành công khi xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rất toàn diện.

Nhảy vọt 23 bậc trên BXH thế giới ở một chỉ số quan trọng, Trung Quốc thay đổi thế nào sau 10 năm?

Trung Quốc xếp hạng 11 thế giới về Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố năm 2022, so với thứ hạng 34 vào năm 2012.

Trao đổi với chúng tôi, giáo sư Hà Văn Nghĩa - Tổng Thư ký Cơ sở nghiên cứu Công nghiệp thể thao thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Phó Hội trưởng Hội Xúc tiến nghiên cứu và phát triển miền Tây Trung Quốc - chỉ ra những giải pháp mà Trung Quốc đã thực hiện trong những năm qua nhằm tạo dựng hệ sinh thái đổi mới ở khắp các lĩnh vực trong xã hội.

Đổi mới sáng tạo thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội Trung Quốc ra sao?

Theo giáo sư Hà Văn Nghĩa, hoạt động sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc sử dụng rộng rãi các ứng dụng công nghệ với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, giảm lãng phí tài nguyên cũng như ô nhiễm môi trường.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện chuyển đổi số, áp dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây, AI,... vào tối ưu hóa quy trình sản xuất, hạ giá thành, nâng chất lượng sản phẩm.

Sản xuất thông minh là quá trình vận dụng công nghệ nhằm đạt được sản xuất tự động, thông minh và nối mạng. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đã đưa vào sử dụng robot, trang thiết bị tự động hóa để tăng năng suất.

Internet Vạn Vật (IoT) cũng là công nghệ quan trọng cho phép liên kết các loại trang thiết bị, cảm biến, hệ thống để hiện thực hóa sự trao đổi và chia sẻ thông tin. Các doanh nghiệp thông qua công nghệ này để thực hiện sản xuất thông minh và quản lý vận hành.

Internet Công nghiệp là một mô hình sản xuất kiểu mới, trong đó công nghệ mạng Internet được kết hợp với sản xuất công nghiệp. Thông qua Internet Công nghiệp, doanh nghiệp có thể thực hiện sản xuất thông minh, hợp tác sản xuất, cá nhân hóa,...

Sự ra đời của Wechat Pay - nền tảng thanh toán được phát triển bởi hãng công nghệ khổng lồ Tencent, cung cấp dịch vụ thanh toán di động thông qua hợp tác với các ngân hàng - đã nâng cấp giải pháp thanh toán của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ thanh toán di động.

Theo số liệu của trang Business of Apps đăng tải tháng 9/2022, WeChat tích hợp đến 3.5 triệu ứng dụng nhỏ với khối lượng giao dịch 2,7 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2021. Nền tảng này tạo ra doanh thu đến 17,49 tỷ tệ cho Tencent trong năm 2021.

Các nền tảng thanh toán trực tuyến như Wechat Pay đã góp phần đáng kể làm thay đổi cách thức tiêu dùng của người dân Trung Quốc

Một cái tên nổi bật nữa là hãng công nghệ Alibaba với nền tảng thương mại trực tuyến Taobao. Nhờ những tiến bộ trong công nghệ Internet, Taobao đã tích hợp thành công dịch vụ trực tuyến và ngoại tuyến. Không chỉ là nền tảng tiên phong thay đổi cách mà người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm, Taobao ra đời cũng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử ở quốc gia tỷ dân.

Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, BYD hiện là hãng xe điện lớn nhất của Trung Quốc. Các mẫu xe điện của họ thành công lớn ở thị trường trong nước và được đón nhận ở các thị trường quốc tế. Trong nửa đầu năm 2023, BYD đã bán được 1.255.637 chiếc ô tô điện và xe lai sạc điện (PHEV) cho khách hàng toàn cầu, tăng trưởng ấn tượng 95,78% so với cùng kỳ.

Sự phát triển của phương tiện ô tô điện ở Trung Quốc không chỉ thay đổi cách thức đi lại của người dân mà còn giúp thúc đẩy sự đi lên của ngành ô tô năng lượng mới.

Ở lĩnh vực viễn thông, Huawei đã giới thiệu công nghệ 5G, được mô tả là công nghệ thông tin đi đầu trên toàn cầu. Hãng này có thể sẽ công bố một mẫu điện thoại thông minh 5G vào cuối năm nay, đánh dấu sự trở lại thị trường điện thoại 5G và là thắng lợi quan trọng sau ba năm khi công ty phải đấu tranh để vượt qua các điều kiện khó khăn. Ứng dụng của công nghệ 5G giúp cải thiện cách thức liên lạc của người sử dụng và thúc đẩy sự phát triển ngành viễn thông.

Chuyển phát nhanh là một trong những thị trường ở Trung Quốc chứng kiến hiệu suất gia tăng và giá thành giảm nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, củng cố nền tảng phát triển của các doanh nghiệp chuyển phát nhanh tư nhân.

Vào năm 2014, Cainiao - công ty con thuộc Alibaba - đi đầu trong việc giới thiệu "đơn điện tử", cho phép dữ liệu "chạy trước" so với gói hàng của người mua. Năm 2015, hãng chuyển phát STO ra mắt robot phân loại thông minh với khả năng xử lý đến 20.000 gói hàng mỗi giờ. Cho đến năm nay, hãng thương mại điện từ Jingdong đã đưa hơn 600 xe vận chuyển hàng không người lái vào hoạt động tại hơn 30 thành phố khắp Trung Quốc, cung cấp thêm nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.

"Những thành quả đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy các ngành nghề phát triển, đóng góp cho phát triển kinh tế của quốc gia," giáo sư Hà Văn Nghĩa đánh giá.

bydevcar.jpeg

BYD giới thiệu các mẫu xe điện đến thị trường Nhật Bản tại Tokyo được giới thiệu tại Tokyo, tháng 7/2022 (Ảnh: Kyodo)

Tầm nhìn của Trung Quốc về đổi mới sáng tạo

Giáo sư Hà Văn Nghĩa cho hay, cơ quan phụ trách lĩnh vực đổi mới, cải cách ở Trung Quốc là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC). Trong NDRC có một đơn vị trực thuộc chuyên trách các vấn đề về đổi mới có tên đầy đủ là Trung tâm Phát triển thúc đẩy đổi mới (hay còn gọi là Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế số).

Ông cho biết, Trung Quốc có nhiều các cơ quan bồi dưỡng để hỗ trợ và khuyến khích các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao đóng góp của khoa học công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế.

Ví dụ, chính phủ Trung Quốc đã thiết lập nhiều mô hình khu đổi mới công nghệ, trung tâm khởi nghiệp và vườn ươm như "Công trường đổi mới", "Cộng đồng khởi nghiệp" hay "Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc"... Những tổ chức này cung cấp cơ sở làm việc, hỗ trợ về vốn và hướng dẫn về chuyên môn cho các công ty khởi nghiệp nhằm thúc đẩy đổi mới về công nghệ và tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, nhiều đại học và tổ chức nghiên cứu cũng thành lập mô hình vườn ươm hỗ trợ các nhà nghiên cứu chuyển đổi thành quả công nghệ thành ứng dụng thương mại.

Trung Quốc hết sức xem trọng khởi nghiệp và đổi mới trong công nghệ. Điều này có thể thấy từ khẩu hiệu "Người người khởi nghiệp, muôn người sáng tạo".

Ngay từ năm 2015, Quốc vụ viện (tức chính phủ) Trung Quốc đã ban hành bản "Ý kiến chỉ đạo về Đẩy nhanh xây dựng nền tảng mới hỗ trợ Người người khởi nghiệp, muôn người sáng tạo" nhằm thúc đẩy chính sách mang tính nhất quán về cộng đồng sáng tạo, cộng đồng nỗ lực gia tăng công ăn việc làm, cộng đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, cộng đồng đầu tư thúc đẩy phát triển; đặt trong bối cảnh toàn cầu chia sẻ tăng trưởng kinh tế nhanh, đổi mới sáng tạo trên nền tảng Internet bùng nổ.

Trên thực tế, có rất nhiều ban ngành ở Trung Quốc nỗ lực đóng góp cho đổi mới sáng tạo, thậm chí có thể nói rằng chỉ cần một lĩnh vực nào có "chín muồi" thì đều có cơ quan chuyên trách về đổi mới trong lĩnh vực đó.

Bên cạnh những ban ngành về đổi mới ở cấp nhà nước, ở địa phương cũng có các ban ngành tương ứng. Ví dụ, thành phố Bắc Kinh có Trung tâm Sáng tạo công nghệ quốc tế, ở Thiên Tân có Trung tâm Phát triển đổi mới công nghệ,... Ngoài ra, các cơ sở nghiên cứu khoa học và các ngành nghề cũng hết sức chú trọng đổi mới. Trung tâm Phát triển đổi mới công nghệ thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) chủ yếu tham gia xây dựng Trung tâm Khoa học toàn diện quốc gia Hoài Nhu ở thủ đô Bắc Kinh, khu công nghệ Zhongguancun Bắc Kinh, tham gia toàn diện vào hoạt động xây dựng khu kinh tế mới Hùng An cũng như hợp tác với các ban ngành liên quan.

Năm nay, Trung Quốc cũng chính thức hoàn thành Trung tâm Đổi mới công nghệ sữa quốc gia, tập trung tạo dựng Mạng lưới phục vụ hợp tác đổi mới dựa vào sự phối hợp giữa "Dịch vụ trực tuyến toàn diện" và "Thực thể đổi mới ngoại tuyến". Trung tâm này sẽ triển khai kỹ thuật nhân giống và chăn nuôi bò sữa, dinh dưỡng và sức khỏe, trang thiết bị và công nghệ về sản phẩm từ sữa, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực liên quan chất lượng cùng an toàn sản phẩm từ sữa, nhằm cung cấp cho doanh nghiệp các dịch vụ chuẩn hóa, sở hữu trí tuệ và ươm tạo chuyên nghiệp.

zhongguancun.jpg

Khu công nghệ Zhongguancun ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Các ban ngành Trung Quốc hỗ trợ đổi mới thế nào?

NDRC là cơ quan ngang Bộ, trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Người đứng đầu NDRC là một Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

NDRC quán triệt và thực thi các quyết sách và phương châm chính sách của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với công tác phát triển và cải cách, trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiên trì và củng cố sự lãnh đạo tập trung thống nhất của ĐCSTQ đối với công tác phát triển và cải cách.

Ngày 7/3/2023, theo Đề xuất của Quốc vụ viện Trung Quốc về đệ trình và xem xét Kế hoạch cải cách cơ cấu, giao trách nhiệm tổ chức và xây dựng kế hoạch, chính sách thúc đẩy phát triển xã hội thông qua khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho NDRC.

Trách nhiệm của NDRC về điều phối và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, tổ chức thực hiện chiến lược dữ liệu lớn quốc gia, thúc đẩy xây dựng hệ thống cơ bản của các yếu tố dữ liệu và thúc đẩy bố trí và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được giao cho Cục Dữ liệu Quốc gia Trung Quốc - cơ quan được thành lập do NDRC quản lý.

Trung tâm Phát triển thúc đẩy đổi mới thuộc NDRC có nhiệm vụ chính là cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ như nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ quan trọng phục vụ phát triển quốc gia theo định hướng đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế số. Một là tham gia nghiên cứu chiến lược phát triển dựa trên đổi mới và thúc đẩy thực hiện các công việc liên quan, phối hợp tổ chức quảng bá và giao lưu quốc tế, đồng thời tham gia các hoạt động quan trọng như đổi mới theo định hướng và đổi mới đại chúng. Thứ hai là thực hiện nghiên cứu sơ bộ về quy hoạch, quy định, tiêu chuẩn quan trọng, biện pháp chính sách… của kinh tế số; phối hợp xúc tiến triển khai các công việc liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế số.

Chiến lược của lãnh đạo Trung Quốc về đổi mới sáng tạo

Chủ tịch Trung Quốc phát biểu ngày 18/12/2018 tại Đại hội chào mừng 40 năm Trung Quốc Cải cách mở cửa: "Chúng ta phải bám sát quan điểm Đổi mới là động lực số 1, nhân tài là nguồn tài nguyên số 1. Thực thi chiến lược Đổi mới thúc đẩy phát triển, hoàn thiện thể chế Đổi mới quốc gia, đẩy nhanh Đổi mới tự chủ các công nghệ then chốt, nhằm tạo dựng động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội."

Giáo sư Hà Văn Nghĩa cho biết, thực thi chiến lược "Đổi mới thúc đẩy phát triển" là điều quyết định vận mệnh và tương lai của dân tộc Trung Hoa.

"Điều này đòi hỏi chúng tôi đẩy nhanh đổi mới tự chủ các công nghệ cốt lõi, thúc đẩy đổi mới toàn diện dựa trên hạt nhân là đổi mới về công nghệ, bám sát định hướng nhu cầu, quán triệt phương hướng phát triển công nghiệp, củng cố vị trí chủ đạo của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò quyết định của thị trường trong phân bổ nguồn lực và lợi thế của hệ thống xã hội chủ nghĩa, nâng cao tỷ lệ đóng góp của tiến bộ khoa học và công nghệ trong tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, lành mạnh," ông Hà nói.

waic2023.jpg

Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới (WAIC) năm 2023 được tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 6/7 (Ảnh: China News Service)

Trung Quốc đầu tư thế nào để hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo?

Vị giáo sư trường Đại học Bắc Kinh cho biết, chính phủ Trung Quốc chú trọng và hỗ trợ đổi mới, khởi nghiệp cũng như phát triển công nghệ bằng nhiều chính sách về tài chính, nguồn lực con người cũng như chính sách.

Trung Quốc thông qua nhiều quỹ đạo và hình thức để đầu tư nguồn tài chính lớn nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới và phát triển công nghệ, bao gồm nguồn vốn tài chính trung ương, địa phương, các quỹ đầu tư khởi nghiệp,... Ngoài ra, chính phủ cũng tích cực định hướng nguồn vốn xã hội tham gia và phát triển công nghệ, đổi mới và khởi nghiệp, khích lệ doanh nghiệp tăng mức đầu tư vào đổi mới công nghệ.

Trung Quốc đã vận dụng nhiều con đường và cách thức để đầu tư lớn về nguồn lực con người nhằm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới và phát triển công nghệ, bao gồm đẩy mạnh bồi dưỡng nhân tài bằng giáo dục bậc cao, đào tạo nghề,... cung cấp dịch vụ như đào tạo khởi nghiệp, đào tạo nghiệp vụ,...

Ông Hà cho hay, chính phủ Trung Quốc còn tích cực khuyến khích và hỗ trợ nhân tài từ nước ngoài trở về Trung Quốc khởi nghiệp, đồng thời trao các chính sách ưu đãi cho nhóm nhân tài hải ngoại này.

Nước này ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới và phát triển công nghệ, bao gồm ưu đãi về thuế, tín dụng, chính phủ thu mua,... Chính phủ Trung Quốc ra sức thúc đẩy chuyển đổi các thành tựu công nghệ, khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi và ứng dụng thực tiễn các thành quả công nghệ.

Giáo sư Hà Văn Nghĩa chỉ ra, các nỗ lực đầu tư của Trung Quốc nhằm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp gia tăng theo từng năm, tạo ra đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Những hành động cụ thể

1. Thực thi chiến lược "Đổi mới thúc đẩy phát triển": Chiến lược này của Trung Quốc nhằm đẩy nhanh đổi mới sáng tạo về công nghệ, nâng cao năng lực làm chủ đổi mới, thúc đẩy tối ưu hóa và nâng cấp cơ cấu công nghiệp, thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển lành mạnh.

2. Thúc đẩy cải tổ cơ cấu cung cầu: Trung Quốc thông qua các biện pháp hạ năng suất, giảm tồn kho, giảm nợ, hạ giá thành, bù đắp các thiếu sót,... để nâng cao hiệu suất và chất lượng của hệ thống cung cầu, thúc đẩy nâng cấp và chuyển đổi mô hình công nghiệp.

3. Tăng cường kiến tạo thể chế đổi mới: Trung Quốc xây dựng thể chế đổi mới công nghệ với doanh nghiệp làm chủ thể, định hướng theo thị trường và có sự phối hợp giữa doanh nghiệp-trường học-cơ quan nghiên cứu; qua đó thúc đẩy chuyển đổi và công nghiệp hóa thành tựu công nghệ.

4. Đẩy mạnh hội nhập sâu rộng tin học hóa, công nghiệp hóa: Trung Quốc xúc tiến hội nhập sâu rộng giữa công nghệ thông tin với các ngành chế tạo sản xuất, thúc đẩy phát triển một lĩnh vực chế tạo xanh, số hóa, và thông minh.

Những thành quả đạt được

Giáo sư Hà Văn Nghĩa nhận định, trong số những ngành nghề thúc đẩy các giải pháp đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả nhất tại Trung Quốc, ngành công nghệ và tài chính cho thấy sự nổi trội.

Hai lĩnh vực này đạt được những tiến bộ nổi bật về đổi mới công nghệ và đổi mới mô hình nghiệp vụ, đồng thời được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ và định hướng mạnh mẽ. Ngoài ra, ngành sản xuất cùng ngành y tế đang từng bước gia tăng nỗ lực đổi mới, nhưng trong vận dụng thực tế các giải pháp đổi mới sáng tạo vẫn còn cần củng cố thêm.

Ngành công nghệ Trung Quốc đạt nhiều bước tiến đáng kể trong các lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet Vạn Vật (IoT), sản xuất thông minh,... Ví dụ, Trung Quốc đã phát biểu nhiều luận văn chất lượng cao trong lĩnh vực AI, cũng như thu được đột phá quan trọng trong lĩnh vực thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP),... Ngoài ra, công nghệ 5G, Blockchain, IoT,... cũng có các bước tiến quan trọng góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cấp ngành công nghệ. Tỷ lệ đóng góp của đổi mới công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế vượt 60%, trở thành trụ cột quan trọng để thúc đẩy phát triển chất lượng cao.

Ngành tài chính Trung Quốc trong và năm gần đây đã cho ra đời nhiều giải pháp công nghệ tài chính theo mô hình đổi mới sáng tạo, bao gồm thanh toán di động, tư vấn tài chính tự động, Blockchain,... Các giải pháp này giúp cải thiện dịch vụ tài chính, thúc đẩy chuyển đổi số ngành tài chính. Bên cạnh đó, ngành tài chính Trung Quốc đạt nhiều bước tiến quan trọng ở các mảng quản lý rủi ro, giám sát và quản lý tài chính.

Năm 2020, giá trị gia tăng các ngành kinh tế số cốt lõi của Trung Quốc chiếm đến 7,8% GDP toàn quốc, trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Ngành sản xuất của Trung Quốc cũng đạt nhiều bước tiến rõ rệt trong đổi mới công nghệ ở những lĩnh vực như sản xuất thông minh, Internet công nghiệp, sản xuất trang thiết bị cao cấp. Đây là những giải pháp công nghệ đổi mới giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi mô hình và nâng cấp ngành.

Số liệu do Hội liên hiệp Công nghiệp cơ khí Trung Quốc công bố cho thấy, nửa đầu năm nay giá trị gia tăng của ngành công nghiệp cơ khí tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu đạt 1360 tỷ nhân dân tệ (tăng 9,4% so với cùng kỳ). Những ngành chiến lược mới nổi đạt doanh thu 1090 tỷ tệ, số lượng nền tảng đổi mới được đưa vào vận hành và được phê duyệt xây dựng đạt 260.

Ngành này cũng đạt nhiều tiến triển quan trọng trong sản xuất xanh, phát triển bền vững,...

Ngành y tế của Trung Quốc là lĩnh vực không ngừng xuất hiện những công nghệ và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ví dụ như xét nghiệm di truyền, đổi mới thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe qua Internet... Các biện pháp này đã cải thiện dịch vụ y tế và thúc đẩy chuyển đổi số của cả lĩnh vực. Ngành cũng có một loạt bước tiến quan trọng trong nâng cao chất lượng y tế, kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe,...

"Nhiều lĩnh vực ở Trung Quốc đều thu được thành quả đáng kể trên phương diện đổi mới, tạo ra đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế và xã hội," ông Hà Văn Nghĩa nói. "Trong tương lai, cùng với sự đổi mới không ngừng, tin rằng sự đổi mới của Trung Quốc trong các lĩnh vực sẽ tiếp tục phát huy vai trò ngày càng quan trọng."

Khu vực trưng bày của hãng Huawei tại Đại hội thế giới di động MWC Thượng Hải 2023 (Ảnh: Huawei)

Tầm nhìn của Trung Quốc về tương lai

Giáo sư Hà Văn Nghĩa cho biết, trong giai đoạn gần đây, Trung Quốc đang hướng đến đổi mới và ứng dụng công nghệ trong một số lĩnh vực như AI, 5G và 6G, năng lượng mới và công nghệ bảo vệ môi trường, sản xuất công nghệ cao.

Trong đó, lĩnh vực AI sẽ tiếp tục được đẩy mạnh ứng dụng trong các ngành y tế, giáo dục, giao thông, an ninh. Trung Quốc cũng đẩy nhanh phổ cập ứng dụng mạng 5G, bắt tay phát triển công nghệ mạng 6G tốc độ cao.

Nền kinh tế tỷ dân sẽ gia tăng nỗ lực nghiên cứu và vận dụng các công nghệ về năng lượng mới, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân,... đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghệ cao, bao gồm các lĩnh vực robot, sản xuất thông minh, chế tạo trang thiết bị cao cấp,...

Ở ngành sinh học, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng bao gồm chỉnh sửa gien, y sinh học, thiết bị y tế,...

"Trên đây chỉ là một 'phần nổi trong tảng băng' thành quả mà Trung Quốc đạt được trong nỗ lực đổi mới sáng tạo. Con đường đổi mới công nghệ trong tương lai sẽ ngày càng rộng mở, phạm vi bao phủ các lĩnh vực ngày càng lớn," ông Hà nói.

Từ góc nhìn định hướng chính sách hay sức sống của các ngành công nghiệp, theo giáo sư Hà Văn Nghĩa, sức mạnh và khối lượng đổi mới của Trung Quốc là khả quan.

Mục tiêu của Trung Quốc trong 5 đến 10 năm tới sẽ là trở thành một cường quốc về công nghệ trên thế giới, chuyển đổi từ một nước lớn về sản xuất thành một cường quốc sản xuất, đồng thời tăng cường nghiên cứu cơ sở và "đổi mới nguyên thủy" - chỉ quá trình từ nghiên cứu đến ứng dụng thương mại một công nghệ hoàn toàn mới.

Ông Hà nói, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu bồi dưỡng lớp doanh nghiệp công nghệ có năng lực cạnh tranh quốc tế cùng với các thành tựu công nghệ có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng cường hội nhập có chiều sâu giữa công nghệ với phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, thực hiện mục tiêu trở thành một cường quốc về công nghệ.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Nhảy vọt 23 bậc trên BXH thế giới ở một chỉ số quan trọng, Trung Quốc thay đổi thế nào sau 10 năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO