Hãng tin Bloomberg cho hay Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang thực hiện kế hoạch chi 25 tỷ USD ngân sách nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh của nước này, qua đó thu hút thêm cử tri ủng hộ. Mục tiêu ban đầu của kế hoạch này là cung cấp một hệ thống hỗ trợ trên mỗi bé sơ sinh mới ra đời, tương tự như ở Thụy Điển.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia lại cho rằng kế hoạch này không giải quyết được gốc rễ của vấn đề khi phụ nữ Nhật Bản vẫn phải nhận nhiều gánh nặng khi sinh con, từ bỏ sự nghiệp, chịu phân biệt đối xử... khiến nhiều người từ bỏ ý nghĩ lập gia đình.
Theo Bloomberg, phần lớn các chính sách hỗ trợ của Nhật Bản hiện nay chỉ nhắm đến những phụ nữ đã có con cái hoặc gia đình trong khi đối tượng nữ giới đến tuổi kết hôn còn độc thân lại chẳng nhận được nhiều quan tâm. Việc thiếu cải thiện trong sự phân biệt đối xử nam nữ tại công sở, bất bình đẳng về thu nhập sẽ chỉ khiến phụ nữ từ chối lập gia đình nhiều hơn.
“Chính sách hỗ trợ mới chỉ tập trung vào những người có con cái mà bỏ quên bộ phận nữ giới chưa hoặc không thể kết hôn-sinh con tại Nhật Bản vì nhiều gánh nặng khác nhau”, Giáo sư Junya Tsutsui của trường đại học Ritsumeikan nhận định.
Học Thụy Điển
Kế hoạch hỗ trợ của Thủ tướng Kishida bao gồm nhiều chính sách, ví dụ như nâng số tuổi nhận tiền hỗ trợ trẻ em dưới 2 tuổi hàng tháng 15.000 Yên, tương đương 107 USD, và 10.000 Yên cho trẻ dưới 3 tuổi.
Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ dỡ bỏ trần nhận trợ cấp, đồng thời tặng thêm 30.000 Yên/tháng cho gia đình nào sinh thêm đứa thứ 3.
Những ông bố nghỉ chăm con cũng sẽ được nâng trợ cấp nhằm đưa tỷ lệ số nam nhân viên nghỉ phép chăm con lên 85% vào năm 2030 so với chỉ 14% hiện nay.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ chi khoảng 3,5 nghìn tỷ Yên, tương đương thêm 0,6% GDP nữa nhằm cải thiện các cơ sở y tế chăm sóc trẻ em cũng như giảm chi phí sinh con.
Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy Nhật Bản hiện chi 2% GDP cho các chương trình hỗ trợ gia đình.
Hiện Thụy Điển đang là quốc gia chi nhiều ngân sách nhất trong OECD nhằm hỗ trợ các hộ gia đình sinh đẻ với 3,4% GDP. Nhờ đó nước này luôn có tỷ lệ sinh cao hơn mức bình quân của OECD dù đã giảm tốc tăng trưởng thời gian qua.
Tuy nhiên, dù chính phủ cố gắng học hỏi Thụy Điển nhưng thách thức mà phụ nữ Nhật Bản phải đối mặt lại nặng nề hơn nhiều.
Gánh nặng
Theo Tsutsui, vấn đề thực sự mà Nhật Bản phải đối mặt không chỉ là phụ nữ không chịu sinh con mà là giới trẻ ngày nay bị trả lương thấp, không có công việc ổn định để họ có thể an tâm kết hôn và “tạo người”.
Tại một quốc gia mà vấn đề sinh con ngoài giá thú là cực kỳ nghiêm trọng thì cách tốt nhất để các cặp đôi sinh đẻ là nâng lương-thu nhập.
“Rào cản lớn nhất giữa độc thân và kết hôn sinh con ở Nhật Bản là mức thu nhập chênh lệch giữa những lao động chính thức và nhân công thời vụ”, giáo sư Tsutsui nói.
Khoảng 64% số lao động ở Nhật Bản là nhân viên chính thức, nghĩa là họ được luật pháp bảo vệ, có thu nhập ổn định, lợi ích an sinh xã hội cũng như mức lương cao hơn. Trong khi đó 36% lao động là nhân viên thời vụ với thu nhập chỉ bằng 2/3.
Số liệu của Bộ lao động Nhật Bản cho thấy có đến 60% lao động nam chính thức ngoài 30 tuổi đã kết hôn trong khi tỷ lệ này chỉ là ¼ trong giới nhân viên hợp đồng, qua đó gián tiếp gây ra tỷ lệ sinh thấp.
Đồng quan điểm, giáo sư Nobuko Nagase của trường đại học Ochanomizu cho biết các nhân viên hợp đồng có mức lương tối thiểu khoảng 2 triệu Yên/năm dù làm toàn thời gian. Con số này chẳng đủ để sống một mình chứ đừng nói kết hôn-sinh con.
“Nâng lương cho người lao động phải là điều đầu tiên cần làm trong chiến dịch tăng tỷ lệ sinh”, giáo sư Nagase cho biết.
Dù mức lương tại Nhật có tăng thời gian gần đây nhưng con số này bị tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục 10 năm qua nhấn chìm, hệ quả là người lao động cảm thấy ví tiền của mình vẫn vậy, chẳng thể nuôi nổi bản thân chứ đừng nói kết hôn sinh con.
Báo cáo của Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản (NIPSSR) cho thấy nếu tỷ lệ sinh của Nhật Bản không được cải thiện thì dân số nước này sẽ giảm xuống còn khoảng 64 triệu người vào năm 2100, tương đương mức dân số của năm 2004.
Cùng với đó, hệ thống an sinh xã hội, lương hưu cùng nhiều bộ máy hành chính công khác cũng sẽ chịu gánh nặng lớn khi người già quá nhiều trong khi lực lượng lao động chẳng có mấy.
Bên cạnh đó, việc Nhật Bản sẽ lấy đâu ra ngân sách để tài trợ chương trình kích thích sinh đẻ mới này cũng đang trở thành nghi vấn khi việc tăng thuế sẽ càng tạo gánh nặng cho các hộ gia đình cũng như việc sinh đẻ hơn.
“Chúng ta cần một chính sách dài hạn. Sẽ rất khó cho mọi người để sinh thêm em bé nếu chẳng có tương lai phát triển nào”, chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura tổng kết.
*Nguồn: Bloomberg