Mất gần 2 tháng để nhận được tiền
Mới đây, chia sẻ tại hội thảo “Nợ đọng xây dựng - Kiến nghị và giải pháp”, đại diện Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) nhận định hiện nay quy trình thanh toán đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn kéo dài và rất phức tạp.
Cụ thể, thời gian từ lúc thi công xong đến lúc tiền về phải mất đến gần 2 tháng để thực hiện các nội dung công việc như xác định khối lượng thanh toán và biên bản nghiệm thu khối lượng với tư vấn giám sát; lập giá trị thanh toán; chủ đầu tư xác nhận giá trị hoàn thành, chuyển hồ sơ thanh toán đến kho bạc để thanh toán.
Theo đại diện Vinaconex, thời gian trên là quá dài và các bên liên quan tham gia vào quá trình thanh toán cần tập trung nhân sự để đẩy nhanh tiến độ thanh toán nhằm giảm áp lực tài chính cho nhà thầu, nhất là những nhà thầu đang phải huy động vốn tín dụng để thi công.
Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Vinaconex, hiện nay, công tác thanh toán khối lượng phát sinh còn phức tạp, kéo dài.
Cụ thể, đối với các công trình xây dựng, việc thay đổi thiết kế các hạng mục công trình, bổ sung hạng mục công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư, địa phương, đơn vị sử dụng,… do địa chất thay đổi, thay đổi mỏ vật liệu… là thường xuyên xảy ra.
Tuy nhiên, chính những thay đổi phát sinh, điều chỉnh đã khiến các nhà thầu gặp không ít khó khăn trong việc tập hợp hồ sơ xin duyệt chủ trương, duyệt bản vẽ thiết kế điều chỉnh, duyệt dự toán phát sinh, duyệt đơn giá ký phụ lục hợp đồng…
Tất cả các bước công việc này để hoàn thiện được sẽ mất rất nhiều thời gian do thủ tục trình duyệt qua nhiều bộ phận quản lý, phê duyệt. Trong khi các Chủ đầu tư vẫn yêu cầu bám sát theo tiến độ hợp đồng, dẫn tới vừa thi công vừa trình duyệt dự toán, điều chỉnh hợp đồng, tiềm ẩn rủi ro.
Trước thực trạng trên, đại diện Vinaconex kiến nghị cần tiến hành dự toán hạng mục điều chỉnh, bổ sung do Nhà thầu lập, trong thời gian chờ thẩm tra, thẩm định, phê duyệt. Chủ đầu tư tạm phê duyệt đến 90% dự toán do Nhà thầu lập làm cơ sở kýphụ lục hợp đồng (PLHĐ).
Bên cạnh đó, cũng cần có các cơ chế để tạm ứng hợp đồng cho Nhà thầu theo tỷ lệ hợp đồng tương ứng giá trị PLHĐ bổ sung tăng thêm và xem xét điều chỉnh tiến độ hoàn thành. Tạm thanh toán trong thời gian chờ phê duyệt chính thức. Sau khi phê duyệt dự toán chính thức sẽ điều chỉnh thông qua PLHĐ và thanh toán bù trừ.
Điều chỉnh giá hợp đồng không sát thực tế, phức tạp
Cũng theo đại diện Vinaconex, Hiện nay, rất nhiều hợp đồng có điều chỉnh giá quy định sử dụng nguồn chỉ số giá của địa phương (nơi dự án đi qua) hoặc nguồn của Tổng cục thống kê để tính toán bù giá theo công thức trong hợp đồng. Thường có 2 loại chỉ số giá sử dụng là : Chỉ số giá công trình xây dựng và chỉ số giá máy thi công, chỉ số nhân công, chỉ số các loại vật liệu chính.
Theo đó, nguồn chỉ số giá này khi sử dụng để tính toán bù giá thường không theo sát biến động thực tế các yếu tố thay đổi của hợp đồng, do tính chất số liệu có tính chất bình quân và đại diện cho nhóm công trình (chỉ số giá công trình xây dựng) hoặc nhóm các loại vật liệu chính (đá các loại, cát các loại, thép các loại,……) mà không phù hợp với cơ cấu, tỷ trọng chi phí thực tế chủng loại vật liệu chính sử dụng cho hợp đồng, nhất là trong trường hợp có biến động lớn đột biến trên thị trường vật liệu xây dựng.
Từ tồn tại trên, đại diện Vinaconex kiến nghị cần xem xét để có quy định ưu tiên sử dụng công thức điều chỉnh giá theo nhóm các yếu tố điều chỉnh (máy thi công, nhân công, các nhóm vật liệu chính), hạn chế sử dụng công thức điều chỉnh giá sử dụng chỉ số giá xây dựng công trình để tính toán bù giá.
Bên cạnh đó, đối với các Gói thầu xây lắp có quy mô lớn, hoặc đi qua địa giới hành chính từ 2 tỉnh trở lên, theo đại diện Vinaconex, Chủ đầu tư cần thuê đơn vị tư vấn để xác định giá thực tế các nhóm vât liệu chính đến chân công trình trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, nhằm xây dựng chỉ số giá riêng cho nhóm các vật liệu chính quy định trong công thức bù giá hợp đồng và sử dụng để tính toán bù giá hợp đồng.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng cần căn cứ tỷ trọng chi phí máy, nhân công của công trình xây dựng chỉ số giá riêng cho dự án, đại diện Vinaconex kiến nghị.
Vướng mắc về thanh toán cho thầu phụ và số tiền tạm giữ
Theo đại diện Vinaconex, hiện nay, tại các công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đang có tình trạng tại một số dự án, Chủ đầu tư chấp thuận thanh toán trực tiếp cho nhà thầu phụ của dự án. Với ưu điểm nhằm rút ngắn thời gian luân chuyển dòng tiền, giúp Nhà thầu phụ tiếp cận dòng tiền thanh toán, tạm ứng nhanh hơn và hạn chế tình trạng bị Thầu chính chiếm dụng vốn.
Tuy nhiên, theo phương án này, nhà Thầu chính tiềm ẩn rủi ro là không quản lý dòng tiền của Thầu phụ, trong khi vẫn phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về chất lượng, tiến độ phạm vi công việc do Thầu phụ đảm nhận, trường hợp Thầu phụ vi phạm về chất lượng, tiến độ thì Thầu chính vẫn bị đánh giá vi phạm hợp đồng với Chủ đầu tư.
Từ thực trạng trên, đại điện Vinaconex kiến nghị Chủ đầu tư không tạm ứng, thanh toán cho Thầu phụ mà chỉ tạm ứng, thanh toán thông qua Thầu chính.
Đồng thời để đảm bảo trách nhiệm Thầu chính thanh toán cho Thầu phụ đúng trong thời gian quy định trong hợp đồng, thì Thầu chính, Thầu phụ, Ngân hàng nơi Thầu chính mở tài khoản ký Thỏa thuận 3 Bên quy định, sau khi khoản tiền tạm ứng, thanh toán của Thầu phụ về Tài khoản của Thầu chính trong khoảng thời gian quy định, Ngân hàng tự động chuyển tiền từ tài khoản Thầu chính cho Thầu phụ.
Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Vinaconex, hiện nay CĐT quy định bắt buộc các khoản tạm giữ: tạm giữ bảo hành công trình (với tỷ lệ cao hơn mức tối thiểu quy định trong Nghi định 37/2015/NĐ-CP) và tạm giữ chờ quyết toán qua các kỳ thanh toán.
Trong khi đó, theo các quy định hiện hành về quản lý hợp đồng xây dựng không có quy định bắt buộc về tạm giữ chờ quyết toán. Việc các chủ đầu tư quy định trong hồ sơ mời thầu và hợp đồng, dẫn tới dòng tiền thanh toán qua các kỳ thanh toán Nhà thầu nhận được chỉ khoảng 90% - 93% giá trị thanh toán gây khó khăn về dòng tiền cho Nhà thầu trong quá trình thi công.
Với tình trạng trên, đại diện Vinaconex kiến nghị các Chủ đầu tư cần áp dụng tỷ lệ tạm giữ tiền bảo hành công trình tương ứng tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại Nghi định 37/2015/NĐ-CP, đồng thời cho phép Nhà thầu được sử dụng Bảo lãnh bảo hành để CĐT không tạm giữ qua các kỳ thanh toán.
Bên cạnh đó, cần xem xét để có quy định không tạm giữ chờ quyết toán bằng tiền qua các kỳ thanh toán mà Chủ đầu tư và Nhà thầu có thể đàm phán tỷ lệ tạm giữ chờ quyết toán bằng hình thức Nhà thầu nộp Bảo lãnh tạm giữ chờ quyết toán cho Chủ đầu tư.