Theo đó, doanh nghiệp Đấu giá tư nhân Thuận Cường vừa công bố sẽ tổ chức buổi đấu giá tài sản liên quan đến lô đất HH3 - dự án Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.
Tài sản được đấu giá là 20% vốn góp, quyền sử dụng đất và quyền phát triển dự án tại khu A - lô HH3 dự án Nam An Khánh và 100% vốn góp, quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền phát triển dự án tại khu B - lô HH3 dự án Nam An Khánh, Hoài Đức (Hà Nội).
Theo thông tin công bố, dự án HH3 được xác định theo Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 17/06/2011 của UBND thành phố Hà Nội có vị trí và phạm vi thuộc khu đô thị mới Nam An Khánh tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Tổng diện tích lô đất HH3 là 40.120 m2 trong đó diện tích đất tại khu A là 28.059 m2, diện tích đất tại khu B là 12.061 m2.
Tổng diện tích xây dựng là 21.264 m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 421.260 m2. Trong đó, tổng diện tích sàn dịch vụ thương mại là 168.504 m2 và tổng diện tích sàn căn hộ là 252.756 m2. Tầng cao tối đa được xây tại lô đất là 4-70 tầng.
Cũng theo thông tin được công bố, tài sản nói trên thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVCOMBANK AMC (PAMC).
Giá khởi điểm đấu giá tài sản là gần 480 tỷ đồng. Tiền đặt trước khoảng 24 tỷ đồng. Cuộc đấu giá sẽ thông qua hình thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, bước giá 50 triệu đồng.
Dự án “siêu sang tay”
Theo tìm hiểu, dự án Dự án Chung cư và dịch vụ hỗn hợp tại lô đất HH3 có “số phận” khá long đong khi liên tục được "sang tay" nhiều doanh nghiệp nhưng việc triển khai dường như vẫn "dậm chân tại chỗ" đến khi trở thành tài sản được PAMC đem ra bán đấu giá.
Theo đó, dự án tại lô đất HH3 nằm trong Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh ban đầu do Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư.
Dự án được tách khỏi dự án Nam An Khánh, cả lô HH3 với diện tích 5,57 héc-ta được gọi tên thương mại là Diamond Tower. Theo thông tin công bố, đây là khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp, nằm tại nút giao Đại lộ Thăng Long - Lê Trọng Tấn, cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia 4,5 km.
Tại lần sang tay đầu tiên, Sudico đã chuyển nhượng dự án cho Công ty CP Sông Đà - Việt Đức.
Sau đó, Công ty CP Sông Đà -Việt Đức tiếp tục liên doanh với Công ty CP Bất động sản Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Land) để thực hiện dự án. Lúc này, dự án được đổi tên thành Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp dầu khí, dự kiến khởi công vào năm 2010.
Chưa kịp khởi công theo dự kiến thì dự án lại được "sang tay" lần 2 khi PVFC Land tiếp tục chuyển nhượng vốn góp dự án cho Công ty Imico (một công ty trực thuộc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam).
Theo thông tin công bố khi đó, với vụ chuyển nhượng này, PVFC Land đã thu về hơn 207 tỷ đồng, mang lại khoản lợi nhuận trước thuế 95 tỷ đồng. Bên cạnh việc chuyển nhượng toàn bộ dự án, PVFC Land cũng giữ lại 200 căn hộ chung cư tại đây và đã đầu tư 47,76 tỷ đồng trong năm 2010 để triển khai dự án.
Sau đó, đến cuối năm 2010, tại lần "sang tay" thứ 3, Imico tiếp tục chuyển nhượng dự án cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC.
Khi đó, cung cấp thông tin cho báo chí, một lãnh đạo của Công ty Vinaconex PVC cho biết doanh nghiệp chỉ là một bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp với đối tác trong Dự án Diamond Tower bằng hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp. Như vậy, lúc này chưa thể xác định Vinaconex PVC có phải là chủ đầu tư cuối cùng hay không.
Cũng liên quan đến dự án Diamond Tower, trong đợt điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2010, Công ty CP Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVC Land) cho biết đã góp vốn cùng Công ty CP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức đầu tư dự án Diamond Tower với tổng mức đầu tư 4.480 tỷ đồng. Trong đó, PVC Land góp vốn 90% và Sông Đà - Việt Đức 10%.
Tuy nhiên, sau đó, tại lần "sang tay" thứ 4, PVC Land đã chuyển nhượng toàn bộ 90% vốn góp tại dự án cho Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC).
Đến tháng 12/2010, 6 đơn vị bao gồm CTCP Xây lắp Dầu khí Hà Nội (PVC-HN); Sông Đà - Việt Đức; PVC-IMICO; Vinaconex - PVC; PVC Land và PVFC đã thực hiện ký kết đầu tư dự án Diamond Tower.
Thông tin từ PVC-HN, thời điểm ký kết, dự án có tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng, trong đó PVC-HN góp vốn hơn 800 tỷ đồng, đồng thời là đơn vị thi công. Diamond Tower theo kế hoạch là một tòa nhà cao 40 tầng nổi, 2 tầng hầm.
Đáng chú ý, sau 3 năm từ ngày ký kết thì đến năm 2013, là Dự án Chung cư và dịch vụ hỗn hợp tại lô đất HH3 khu đô thị mới Nam An Khánh nói trên lại nằm trong danh sách dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội.
Sau động thái trên, từ năm 2013 đến nay, dự án tại lô đất HH3 hầu như tiếp tục “án binh bất động”.