Nhà thầu cơ khí thường xuyên bị “ức chế” vì nợ đọng

Lê Sáng | 15:13 01/09/2022

Theo đại diện Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA), việc các nhà thầu cơ khí, cơ điện liên tục bị ức chế do chủ đầu tư cố tình nợ đọng tiền diễn ra rất phổ biến và cần sớm có giải pháp tháo gỡ triệt để.

Nhà thầu cơ khí thường xuyên bị “ức chế” vì nợ đọng
Các nhà thầu cơ khí, cơ điện hiện cũng là "nạn nhân" bất đắc dĩ của tình trạng bị các chủ đầu tư nợ đọng. (Ảnh: Int)

Loạt “bất công” với nhà thầu

Chia sẻ về những tồn tại liên quan đến công tác thanh quyết toán các hợp đồng thi công công trình nói chung và hợp đồng thi công cơ khí, cơ điện nói chung, đại diện Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho các nhà thầu ngày càng gặp nhiều khó khăn là việc bị nợ đọng tiền thi công, do những tranh chấp hợp đồng và chậm hoặc trì hoãn thanh toán.

Theo đại diện COMA, với gần 50 năm kinh nghiệm thi công và thanh quyết toán các công trình, chúng tôi thấy thủ tục thanh quyết toán rất rườm rà, phiền phức mà người thiệt hại trước hết là nhà thầu.

Cụ thể, như với một hợp đồng thi công là chế tạo 500 tấn của một hạng mục thiết bị cơ khí, nhưng thực tế sau khi làm xong là 530 tấn, nhà thầu chỉ được thanh toán tạm 500 tấn, còn 30 tấn vượt khối lượng nhà thầu đã bỏ tiền ra làm rồi bị tạm giữ lại, chờ ký được phụ lục bổ sung hoặc khi quyết toán mới được thanh toán. Đây là lỗi của công tác lập khối lượng của chủ đầu tư hoặc tư vấn, nhưng thiệt hại lại được dồn về cho nhà thầu, đại diện COMA chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc thực thi loại hình hợp đồng cũng có bất cập. Cụ thể, với loại hợp đồng trọn gói thì khối lượng vượt so với khối lượng hợp đồng thì không được thanh toán, khối lượng thi công thấp hơn thì lại lấy theo thực tế. Như vậy rõ ràng là quá bất công với các nhà thầu, đại diện COMA nhận định.

Đối với những hợp đồng mà chủ đầu tư hay đối tác bên A (bên trả tiền) là vốn tư nhân, thì bên trả tiền luôn tìm cách trì hoãn thanh toán như bắt bẻ hồ sơ, không bố trí hay điều động người ký hồ sơ đi xa, hoặc khi quyết toán sẽ viện đủ mọi lý do để trốn tránh hoặc trì hoãn để khỏi phải thanh toán, trong khi công trình hay hạng mục công trình đã bàn giao, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao.

Những “tồn tại” nói trên, theo đại diện COMA, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhà thầu mà còn gây ức chế cho cán bộ thực thi công việc.

Nguyên nhân từ cơ chế

"Nguyên nhân dẫn đến việc có sự khác biệt trong thực thi thanh toán quyết toán hợp đồng, gây tổn hại cho nhà thầu là do xuất phát từ hệ thống cơ chế của chúng ta", đại diện COMA nói.

Theo đó, tâm lý chung là ai cũng sợ trách nhiệm, ai cũng sợ mình làm sai, nên tất cả cứ tròn vo, ba phải, đùn đẩy trách nhiệm, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống qui định về hồ sơ thanh toán quá rườm rà và phức tạp, nhiều loại giấy tờ, biểu mẫu.

Đại diện COMA cho biết thêm, các quy định trên nhìn qua thì thấy có vẻ chặt chẽ nhưng cuối cùng lại không chặt mà chỉ gây phiền nhiễu thiệt hại cho nhà thầu. Các cơ quan thanh kiểm tra đôi khi cũng có những trường hợp nặng về bệnh thành tích, đi kiểm tra thì kiểu gì cũng phải phát hiện ra sai phạm nên hay bắt bẻ, văn vẹo câu chữ để buộc lỗi nên gây ra tâm lý như vậy.

Đặc biệt, một trong những thủ tục gây phiền phức và thiệt hại cho nhà thầu theo đại diện công ty COMA là quy định về phê duyệt quyết toán.

Cụ thể, nhà thầu thực thi công việc thi công, có sự giám sát của nhiều bên liên quan, có khối lượng thực hiện và xác định được giá trị thanh toán, hợp đồng thỏa thuận giữ lại tỷ lệ% để bảo hành và chờ phê duyệt quyết toán, nhưng nhiều khi hết hạn bảo hành 5-10 năm vẫn chưa phê duyệt được quyết toán.

“Thủ tục phê duyệt quyết toán nhà thầu thấy chặt chẽ thì ít mà phiền nhiễu, hành nhà thầu thì nhiều. Mỗi hợp đồng thi công, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn giá cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, lãi chỉ được 3-5%, thậm chí hòa hoặc lỗ nhưng phê duyệt quyết toán chậm thì coi như lỗ” đại diện COMA cho biết.

Kinh nghiệm từ các chủ đầu tư quốc tế

Theo đại diện COMA, những tồn tại liên quan đến công tác thanh quyết toán các hợp đồng xây lắp cơ khí, cơ điện giữa chủ đầu tư với các nhà thầu trong nước là rất đặc thù và ít khi xảy ra với các chủ đầu tư đến từ quốc tế.

Từ kinh nghiệm làm việc với nước ngoài, nhất là với các đối tác châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, đại diện COMA cho biết, họ đều rất tuân thủ hợp đồng. Khi có bất đồng hay tranh chấp thường hai bên ngồi lại, không cần phải có lãnh đạo cao nhất ký hợp đồng, mà chỉ cần đại diện chỉ huy công trường bàn bạc có tình có lý và thống nhất cách giải quyết một cách công bằng, hài hòa.

Khi có khối lượng phát sinh của hạng mục đã có trong hợp đồng, thì giá trị thanh toán lấy đơn giá hợp đồng và khối lượng thực tế thực hiện làm cơ sở thanh toán, chứ không cần phải làm phụ lục rườm rà, mất thời gian.

Những hạng mục phát sinh mới không có trong hợp đồng thì hai bên thỏa thuận đơn giá và thống nhất để làm cơ sở thanh toán, và đương nhiên những khối lượng phát sinh đó sẽ không nằm trong tiến độ đã thống nhất.

Tất cả những sự việc như vậy được giải quyết gọn gàng, mau lẹ và hợp tình hợp lý, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu để nhà thầu thu hồi vốn kịp thời, có kinh phí để phục vụ cho thi công những công việc tiếp theo. Theo đại diện COMA, cách xử lý như vậy rất phù hợp và cả hai bên sẽ cùng có lợi.

Kiến nghị giải pháp từ thực tiễn

Qua một số kinh nghiệm thực tế, đại diện nhà thầu COMA kiến nghị cần sớm có những giải pháp toàn diện, nhất là về cơ chế chính sách nhằm hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và nhà thầu để các doanh nghiệp xây dựng phát triển một cách bền vững. Cụ thể:

Thứ nhất, cần thiết phải luật hóa hoặc nghị định hóa rõ ràng một số khái niệm, làm cơ sở cho việc thanh quyết toán và giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công.

Đối với hợp đồng đơn giá cố định thì giá trị thanh toán dựa trên cơ sở khối lượng thực hiện. Khối lượng vượt thì mặc nhiên nhà thầu phải được thanh toán ngay mà không cần thủ tục phiền nhiễu.

Đối với loại hợp đồng trọn gói thì phải tuân thủ đúng theo nghĩa của trọng gói. Vượt khối lượng nhà thầu phải chịu và hụt khối lượng thì nhà thầu phải được hưởng trọn gói (để mục nọ bù mục kia). Thậm chí trọn gói hợp đồng hay trọn gói cho từng hạng mục của hợp đồng cũng phải qui định rõ.

Thứ hai, cần xem xét để có qui định và thực hiện nghiêm việc sau 1, 2, 3 năm (tùy cấp độ và qui mô vốn) kể từ ngày bàn giao công trình, phải phê duyệt xong quyết toán. Không phê duyệt xong thì phải thanh toán cho nhà thầu còn phê duyệt sau đó là trách nhiệm của các bên liên quan.

Thứ ba, các thỏa thuận điều khoản hợp đồng mà trên luật qui định thì lấy luật làm cơ sở buộc phải thực hiện, tránh trường hợp nhà thầu vì bị ép buộc phải ký và làm tổn hại cho công tác thanh toán. Theo đó, thời gian bảo hành cần được áp dụng theo cấp công trình. Có nhiều trường hợp theo qui định thì thời gian bảo hành là 1 năm nhưng chủ đầu tư ép nhà thầu phải là 2 năm.

Thứ tư, cần phải có qui định đối tượng cần phải bảo hành: những sản phẩm, bộ phận mang tính tiêu hao trong quá trình vận hành: bóng điện, bộ phận chịu mài mòn...không là đối tượng bảo hành nên không thể căn cứ vào đó trì hoãn công tác xác nhận kết thúc bảo hành và trì hoãn việc thanh toán.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhà thầu cơ khí thường xuyên bị “ức chế” vì nợ đọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO