Nguồn vốn nào cho doanh nghiệp năm 2023?

Bảo Anh | 15:10 17/01/2023

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia nhận định năm 2023, nền kinh tế vẫn có những khó khăn và thách thức nhất định. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, doanh nghiệp cần phải có sự tính toán cẩn trọng về việc sử dụng vốn trong tương lai.

Nguồn vốn nào cho doanh nghiệp năm 2023?

BTV Mùi Khánh Ly: Các ông đánh giá như thế nào về cơ hội tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp trong năm 2023?

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và nhỏ, VPBank

Dưới góc độ ngân hàng của chúng tôi trong năm 2023, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn sẽ có những khó khăn nhất định. Điều này xuất phát từ hai cái yếu tố, yếu tố thứ nhất là yếu tố về mặt thị trường, sẽ tiếp tục hướng đến câu chuyện về mặt lãi suất, kiềm chế lạm phát và chính sách về “room” tín dụng. Yếu tố thứ hai là khó khăn nội tại của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ như là thiếu tài sản thế chấp, chưa có sự chuẩn chỉ về mặt quản trị điều hành, quy mô nhỏ. Đây cũng là một yếu tố gây ra khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tỷ lệ là 96%, chúng tôi nhận thấy rằng trong năm 2023, việc tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất hợp lý và được có sự điều chỉnh, căn cứ vào điều việc hành vĩ mô của Chính phủ, Quốc hội, thì không hẳn quá khó khăn mà quan trọng nhất các điều kiện của các doanh nghiệp để có thể đáp ứng các thủ tục, các điều kiện đối với hệ thống ngân hàng. Các doanh nghiệp hiện nay đang còn rất nhiều những mặt hạn chế.

Với việc Quốc hội và Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các cái doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ có tính lan tỏa rất lớn. Hiện nay, với những doanh nghiệp khó khăn nhưng họ đang đi đúng những ngành nghề cốt lõi thì việc tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất rất hữu ích.

Dù vẫn có những cơ hội để tiếp cận nguồn vốn như vậy, tuy nhiên đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa thường ít tài sản đảm bảo hoặc điều kiện tài chính kém hơn để có thể tiếp cận cả hai nguồn vốn từ thị trường chứng khoán cũng như tín dụng ngân hàng, các ông nghĩ sao về điều này?

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và nhỏ, VPBank

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng khó khăn, cần phải đúng ngành nghề cũng như là lĩnh vực cốt lõi của mình. Thứ hai, cần phải minh bạch các cái số liệu tài chính và tình hình hoạt động càng nhiều càng tốt. Điểm thứ ba nên là có sự lựa chọn giữa các sản phẩm đa dạng khác nhau của các ngân hàng. Điểm cuối cùng, trong cái tình hình lãi suất tăng cao như hiện nay, doanh nghiệp cần phải có sự tính toán cẩn trọng về dòng tiền trong tương lai khi vay được vốn. Việc tiếp cận vốn đã là một trở ngại rồi và nếu chúng ta vượt qua được câu chuyện đó thì câu chuyện sử dụng vốn đó cần phải có sự cẩn trọng và thông minh.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Hiện nay, khi mà xu hướng thắt chặt tài chính đang diễn ra thì việc tiếp cận nguồn vốn không phải là câu chuyện dễ dàng. Các doanh nghiệp có nhiều hạn chế khi tiếp cận nguồn vốn. Vì rất nhiều các đơn hàng của các nhà cung cấp mới không được ký tiếp, cũng như các đơn hàng cũ bị cắt giảm trong năm 2022 nên nguồn thu chủ yếu của các doanh nghiệp đã bị hạn chế rất nhiều. Một phần nữa là biên lợi nhuận khối doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang bị giảm đi.

Trước năm 2019, lợi nhuận trên đầu mỗi sản phẩm nó chiếm khoảng từ 07 cho đến 10%. Như hiện nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp chỉ khoảng từ 01 cho đến 03% hoặc các đơn hàng bị hoãn, dẫn đến phương án kinh doanh của các doanh nghiệp đã không được khả thi trong năm 2022 và dự báo nó sẽ kéo dài cho đến năm 2023. Yếu tố thứ hai là nguồn cung và nguồn cầu hiện nay cũng bị suy giảm, lượng hàng tồn kho tương đối lớn.

Chính vì vậy, tôi nghĩ đối với cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta phải có mối quan hệ tương đối lâu dài với hệ thống tài chính và ngân hàng. Nếu không giữ các mối quan hệ lâu dài với hệ thống ngân hàng thì lúc khó khăn, việc đồng hành sẽ khó hơn. Ngân hàng cũng mong muốn tìm kiếm đến người dân và doanh nghiệp có tín dụng được minh bạch, sử dụng đúng mục đích và có quan hệ đối với hệ thống ngân hàng trong một quá trình lâu dài.

Lãi suất vẫn đang trong xu hướng tăng, điều này cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó. Theo các ông thì lãi suất trong 2023 sẽ diễn tiến như thế nào và tiếp tục tác động ra sao đến doanh nghiệp?

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và nhỏ, VPBank

Dự báo về biến số lãi suất thực tế là tương đối khó. Chúng ta căn cứ vào tình hình nội tại, những diễn biến trong quá khứ, đặc biệt là trong năm 2022 để chúng ta thử phác thảo ra bức tranh lãi suất hay là diễn biến lãi suất của năm 2023 sẽ như thế nào?

Chúng ta nhìn nhận mặt bằng lãi suất trong năm 2023 sẽ tiếp tục ở mặt bằng cao, chưa có cơ hội để giảm được. Điểm thứ hai về bức tranh chung lãi suất đã có sự hạ nhiệt, tức là có thể vẫn tăng nhưng tăng ít hơn trong quá khứ hoặc có thể là giữ nguyên.

Tình hình lãi suất toàn cầu cũng diễn biến y hệt vậy. Những tháng cuối năm của năm 2022 diễn biến lãi suất trên thị trường Mỹ, châu Âu là cũng có dấu hiệu là giảm tốc, mặc dù FED cũng nói rằng vẫn có thể tăng lãi suất vài đợt trong năm 2023. Yếu tố thứ hai là nội tại của Việt Nam, đó là sự quyết liệt của Chính phủ trong huy động toàn bộ, kể cả hệ thống ngân hàng lẫn các kênh huy động vốn của nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp, làm sao để hạ nhiệt lãi suất xuống, để cho doanh nghiệp có thể dễ thở hơn và dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn. Điển hình là gần đây, với chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Ngân hàng nước, của Chính phủ và sự đồng lòng của hệ thống ngân hàng thì đã có sự hạ nhiệt trong thời gian vừa qua. Mặt bằng lãi suất chung huy động dao động không vượt quá 9,5%. Như vậy, mức lãi suất đã được giảm tương đối so với thời gian cách đây 2,3 tháng, khi mà mặt bằng lãi suất tăng cao. Và tôi nghĩ rằng năm 2023 cũng sẽ tiếp tục như vậy, mặt bằng lãi suất vẫn có thể cao, vẫn khó khăn nhưng sẽ hạ nhiệt.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Về mặt dự báo thì điều kiện thực tế hiện nay phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, việc điều chỉnh tăng hay giảm, chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào tình hình tài chính của khu vực và thế giới. Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thì bản thân các doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh, cắt giảm nguồn chi phí liên quan đến bộ máy quản trị, cắt giảm các chi phí không hợp lý và phải trích lập các quỹ dự phòng rủi ro, để làm sao có nhiều các điều kiện đáp ứng cho hệ thống ngân hàng có thể được giải ngân.

Trong năm 2023 này, thị trường vốn nói chung sẽ diễn biến như thế nào, theo các ông?

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Tôi nghĩ thị trường vốn sẽ còn khó khăn khi có nhiều động thái vẫn chưa được suy giảm trong thời gian tới, đặc biệt là các cuộc xung đột vẫn còn đang tiếp diễn giữa Nga và Ukraina. Về mặt vĩ mô, chắc chắn Chính phủ và Quốc hội sẽ có nhiều sự điều chỉnh sát với thực tiễn và về mặt thị trường. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của các nền kinh tế của khu vực và trên thế giới sẽ tác động rất mạnh vào thị trường vốn của Việt Nam.

Năm 2023, nhiều dự báo về thị trường, về mặt tài chính, hay sự thu hẹp về đầu tư của các nhà đầu tư tài chính lớn, các doanh nghiệp hay các tập đoàn và các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới khiến họ không tìm cơ hội để đầu tư vào các thị trường đang phát triển. Bởi vì bản thân nội tại của các thị trường họ cũng đang vô cùng khó khăn, và lãi suất của các nước đã điều chỉnh tăng. Do vậy đã ảnh hưởng đến các nguồn vốn cho các doanh nghiệp.

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và nhỏ, VPBank

Năm 202, tình hình thị trường vốn chắc chắ sẽ vẫn có những khó khăn. Khó khăn đầu tiên là câu chuyện về lãi suất chắc chắn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt một cách đáng kể, để có thể vừa vặn trong tình hình tài chính của doanh nghiệp. Thứ hai, tình hình quốc tế và trong khu vực, với những câu chuyện đứt gãy về nguồn cung ứng, các cuộc xung đột trên thế giới sẽ gây ra những khó khăn. Và điểm thứ ba, hệ thống ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn trong việc gọi là cung ứng nguồn vốn ra thị trường với các điều kiện mang tính chất có sự thận trọng hơn về mặt rủi ro, về mặt đánh giá tín dụng.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy đâu là những giải pháp để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn một cách hiệu quả?

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và nhỏ, VPBank

Về phía ngân hàng chúng tôi cũng phải có sự chuẩn bị cho câu chuyện này. Trước hết, chúng tôi luôn tìm tòi những nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế với những đặc điểm mang tính chất ưu đãi hơn so với thị trường, để cung ứng ra nền kinh tế. Điểm thứ hai, sẽ có những chuẩn bị thêm những dải sản phẩm đa dạng khác nhau và hướng tới câu chuyện thuận tiện, hướng tới câu chuyện số hóa cho cộng đồng doanh nghiệp. Câu chuyện số hóa chúng ta phải làm bền bỉ, có sự đầu tư từ trước. Và điểm thứ ba là chuẩn bị các nguồn lực, chuyên viên của ngân hàng sẽ phải thiện chiến hơn, tinh nhuệ hơn trong việc là phục vụ, đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, vừa thận trọng hơn nhưng lại phải vừa hỗ trợ hơn.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Đối với Hiệp hội, chúng tôi chắc chắn phải chia nhóm các ngành, các lĩnh vực đang gặp khó khăn, ví dụ như các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ. Chúng tôi đều có những chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng việc mời gọi các hệ thống ngân hàng, kể cả nhà nước và tư nhân, các công ty chứng khoán để tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ ở đây là cả về các thủ tục, rồi về mặt hồ sơ, đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ làm tài chính ở trong hệ thống các doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng liên kết hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp FDI đang đóng trên địa bàn của Hà Nội và các huyện tỉnh thành, để làm sao chúng kéo thêm các dự án, các nhà đầu tư, kết nối họ có thể sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp của Việt Nam. Chúng tôi sẽ phải làm việc với các Tham tán thương mại kinh tế của các nước đang đóng tại Hà Nội, kết nối với các đầu mối thương mại lớn của các nước, để có thêm được những đơn hàng mới, những khách hàng mới. Và chúng tôi sẽ tăng cường đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt với Quốc hội, với Chính phủ, với Ngân hàng nhà nước ở trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, để có các tháo gỡ về mặt chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp.


(0) Bình luận
Nguồn vốn nào cho doanh nghiệp năm 2023?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO