Hồi tháng 12/2023, Forbes đã công bố 10 tỷ phú “ăn nên làm ra” nhất thế giới. Dưới làn sóng của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, 7 trong số 10 người thuộc danh sách này đều là các “gã khổng lồ” về công nghệ. Trong đó, tỷ phú Prajogo Pangestu là một trong hai người ngoài nước Mỹ, một trong ba người không thuộc giới công nghệ lọt vào top 10.
Ông trùm gỗ và hóa dầu Prajogo Pangestu của Indonesia đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng, chỉ sau Elon Musk, Mark Zuckerberg và Jeff Bezos. Tính theo tỷ lệ phần trăm, tỷ phú người Indonesia có mức tăng trưởng cao nhất, lên đến 900%. Giá trị tài sản ròng của người đàn ông này là 54,8 tỷ USD, tăng 47,9 tỷ USD so với thời điểm năm 2022.
Ông trùm gỗ và hóa dầu Prajogo Pangestu
Nếu làm 1 phép tính đơn giản, trong năm 2023, người đàn ông này có thể kiếm được khoảng 131 triệu USD/ngày (khoảng 3.252 tỷ đồng). Chỉ sau 1 giây, tỷ phú Prajogo có thể “bỏ túi” khoảng 55.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng).
Gia đình nghèo khó, chỉ học hết cấp 2
Nhìn vào những gì ông Prajogo đang có, nhiều người sẽ nghĩ rằng vị tỷ phú này có trình độ học vấn bậc thầy, có xuất phát điểm dễ dàng. Song thực tế cuộc sống của ông khó khăn hơn gấp nhiều lần so với những gì mọi người tưởng tượng.
Vị tỷ phú này sinh ra ở Kalimantan, Indonesia vào năm 1944. Cha ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống, từ cạo mủ cao su cho đến may vá. Dù cố gắng hết sức nhưng cuộc sống của cả gia đình vẫn vô cùng khó khăn.
Phải đến năm 9 tuổi, ông Prajogo mới có cơ hội đến trường. Sáng đi làm giúp việc, chiều ông đến lớp. Dẫu vậy, cậu bé ngày ấy lại có thành tích học tập rất đáng nể. Chỉ mất 3 năm, ông có thể hoàn thành tất cả các môn học ở tiểu học.
Dù có cậu con trai rất tài năng nhưng gia đình vẫn không đủ điều kiện để cho Prajogo tiếp tục học lên cấp 2. 11 tuổi, ông bắt đầu đi làm học việc tại một cửa hàng vàng nhỏ, sau đó làm công nhân cho cửa hàng tạp hóa của người anh họ.
Thấy cậu em thông minh, anh họ không không nỡ để người em của mình phải bỏ học nên đã dùng tiền túi để hỗ trợ Prajogo học tiếp cấp 2. Với khả năng của mình, ông lại chỉ mất 2 năm để hoàn thành các chương trình trung học cơ sở.
Ngay sau khi tốt nghiệp cấp 2, ông Prajogo một mình đến Jakarta để kiếm sống. Trong giai đoạn khó khăn nhất, ông phải làm tài xế xe buýt và đủ những công việc tay chân khác.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Năm 1967, ông tình cờ gặp được ông Hoàng Song An - người gốc Phúc Kiến đến Indonesia lập nghiệp - sáng lập công ty gỗ Caiyuanti. Prajogo Pangestu ngưỡng mộ tầm nhìn của vị chủ tịch này. Còn ông Hoàng Song An lại tin tưởng vào năng lực của đàn em.
2 năm sau, ông Prajogo được mời gia nhập Caiyuanti. Trong 8 năm, từ một nhân viên bình thường, ông trở thành người chịu trách nhiệm về tài chính của cả công ty.
Đến năm 1977, ông rời Caiyuanti để thành lập “đế chế” của riêng mình. Ông bắt đầu chương mới của sự nghiệp tại hòn đảo Mangol nằm ở phía đông Indonesia. Tuy giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng môi trường xung quanh lại khắc nghiệt và được người dân địa phương gọi là "hòn đảo chết". 4 công ty Philippines và 1 công ty Nhật Bản từng có ý tưởng phát triển khu vực này nhưng cuối cùng phải từ bỏ.
Song ở năm 33 tuổi, ông Prajogo đã nộp đơn lên chính quyền để xin quyền quản lý rừng trên đảo Mangole. Chính quyền địa phương đã vô cùng sốc bởi chẳng thể nghĩ sẽ phát triển được gì từ hòn đảo có điều kiện khắc nghiệt đến như vậy.
Nhiều người xem việc làm của ông Prajogo là trò đùa. Song chỉ một thời gian ngắn sau đó trên đảo đã có một bến cảng, với đầy đủ đủ cơ sở hạ tầng, một nhà máy sản xuất ván ép khổng lồ của Prajogo mang tên Barito và hàng chục nghìn công nhân.
Với nỗ lực của ông Prajogo, hòn đảo hoang vắng này đã biến thành một thị trấn công nghiệp sôi động. Từ đây một lượng lớn gỗ và ván ép liên tục được vận chuyển đến nhiều vùng khác nhau của Indonesia. Cái tên Prajogo Pangestu lần đầu tiên được ghi vào lịch sử kinh doanh của quốc gia này bắt đầu từ đây.
Đến năm 1990, Tập đoàn Barito có 70 xưởng gỗ trải khắp Indonesia. Trong nhiều năm qua, tập đoàn của người đàn ông này liên tục trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu ván ép lớn nhất thế giới.
Với hướng đi kinh doanh bền vững, bên cạnh việc khai thác gỗ, năm 1991, ông đã trồng thêm 500.000 ha rừng. Vào thời điểm đó, tập đoàn Barito của vị tỷ phú này đã phát triển thành “đế chế” khổng lồ với 6,5 triệu ha quyền quản lý và phát triển rừng, gần 70 dây chuyền sản xuất ván ép với hơn 40.000 công nhân. Với những gì làm được ông được mọi người đặt biệt danh là “Vua lâm nghiệp” hay “Vua ván ép”.
Không chỉ dừng lại ở lâm nghiệp, ông Prajogo còn lấn sân sang lĩnh vực hóa dầu, kinh doanh du lịch khách sạn, tài chính, bất động sản…
Nhiều người cho rằng thành công của ông Prajogo đến từ sự nhạy bén trong kinh doanh và sự quyết đoán. Nhưng ít ai biết rằng ông cũng là 1 người sống rất nghĩa tình. Sau này mỗi khi có ai đó nói về những thành tựu to lớn trong sự nghiệp của mình, ông luôn nhấn mạnh: “Công việc kinh doanh của tôi có được như ngày hôm nay không thể thiếu sự giúp đỡ của bạn bè. Tôi luôn coi Hoàng Song An như người thầy của mình”.
Tổng hợp