Nghịch lý chăn nuôi: Bán heo hơi không đủ tiền mua cám

Trường Giang | 19:59 27/03/2023

Hàng triệu nông dân rơi vào cảnh khó khăn khi không biết nên tiếp tục chăn nuôi hay là dừng lại, bởi tiếp tục chăn nuôi thì sẽ rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.

Nghịch lý chăn nuôi: Bán heo hơi không đủ tiền mua cám
Thức ăn chăn nuôi tăng cao nên người chăn nuôi không trụ nổi (Ảnh minh họa: Int)

Một điều chưa từng xảy ra trong ngành chăn nuôi đó là 3 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng 15 lần. Việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến chi phí đầu vào tăng, trong khi thành phẩm bán ra lại thấp.

Theo đó, hàng triệu nông dân rơi vào cảnh khó khăn khi không biết nên tiếp tục chăn nuôi hay là dừng lại, bởi tiếp tục chăn nuôi thì sẽ rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.

Giá heo hơi có thời điểm xuống 46.000 đồng/kg, một con khi bán ra nông dân lỗ khoảng 500.000 - 1 triệu đồng. Nguyên nhân là do giá thức ăn tăng chiếm tới 70% giá thành, trong khi 3 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng và chưa cơ dấu hiệu dừng lại.

Tại miền Bắc, người chăn nuôi heo hơi cũng giống như tại nhiều địa phương khác – đang gánh chịu mức lỗ vì giá cám trong nhiều năm.

Tại huyện Văn Giang, Hưng Yên, hơn 200 hộ chăn đã chuyển sang trồng hoa, cây cảnh hoặc đi làm công nhân. Chỉ còn lại số ít chuyển thành trang trại nuôi cầm chừng với quy mô nhỏ.

Tại Vĩnh Phúc, bên cạnh số ít hộ vẫn đang lấy công làm lãi, nhiều chuồng trại cũng đang bị bỏ hoang. Nếu tình hình tiếp diễn 3 - 4 lứa liên tục như hiện nay, ngay cả doanh nghiệp cũng sẽ treo chuồng.

Theo bà con chăn nuôi chia sẻ, giá lợn hơi hiện xuống thấp, thức ăn chăn nuôi tăng cao nên người chăn nuôi không trụ nổi. Thực tế, lỗ lãi một con lợn hiện phụ thuộc vào giá cám, nếu giá cám vẫn giữ nguyên thì nông dân bán hết lợn đi cũng không đủ tiền trả cám.

Thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 70% giá thành và liên tục tăng trong suốt thời gian dài vừa qua. Hệ lụy nguy hiểm là khi nông dân mất khả năng sản xuất, thị trường lợn, gà sẽ trở thành sân chơi của các doanh nghiệp nước ngoài. Cần có giải pháp là câu chuyện đang đặt ra cho các bên.

Để gỡ khó cho chăn nuôi khi giá thức ăn đắt đỏ, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có công văn đề nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%.

"Nó phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực. Thứ hai là thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với ngành chăn nuôi. Thứ ba là một phần nào đó giúp cho chuỗi chăn nuôi giảm bớt chi phí đi", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ.

Trước mắt nông dân đang tận dụng những nguyên liệu sẵn có để pha trộn làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên với trang tại quy mô lớn và vừa từ 1.000 con lợn trở lên gặp nhiều khó khăn do số lượng nhập thức ăn chăn nuôi rất lớn, có khi lên tới cả tỷ đồng.

Cũng theo các chuyên gia, việc giữ thuế nhập khẩu đối với ngô là vì Việt Nam vẫn còn gần 1 triệu hecta ngô. Tuy nhiên, với đậu tương thì diện tích quá nhỏ và gần như Việt Nam trồng chỉ phục vụ nhu cầu nội địa, nên việc điều chỉnh giảm thuế đối với đậu tương sẽ không ảnh hưởng gì đến nông dân, mà còn góp phần giảm giá thức ăn chăn nuôi.

Là nước sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn, nhưng Việt Nam đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu này, đây chính là nút thắt lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nghịch lý chăn nuôi: Bán heo hơi không đủ tiền mua cám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO