Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên hơn 2 năm qua, giá trị xuất khẩu cá ngừ theo tháng của Việt Nam đạt mức hơn 90 triệu USD.
Lũy kế 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), nếu xu hướng tăng trưởng này được duy trì, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Năm trong năm nay có khả năng đạt mức 1 tỷ USD.
Cá ngừ là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Lần đầu tiên xuất khẩu cá ngừ của Việt nam đã vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2022. Đến năm 2023, do khó khăn chung của thị trường, xuất khẩu cá ngừ bị giảm sút và mất mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam đã vươn lên, trở thành nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 thế giới xét về kim ngạch, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Về thị trường xuất khẩu, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang hơn 100 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, EU, Trung Đông và các nước CPTPP là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.
Một trong số những thị trường có sự tăng trưởng mạnh là Mỹ. Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ sau khi tăng trưởng chậm lại trong quý 3 đã có xu hướng tăng tốc trở lại trong những tháng cuối năm, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản trong dịp lễ cuối năm tăng. Theo đó, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đã tăng 30% trong tháng 10.
Cùng với Mỹ, khối thị trường Trung Đông cũng đang gia tăng nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Xuất khẩu sang khối thị trường này tăng trưởng ở mức cao trong 10 tháng đầu năm nay như Israel tăng 55%, Ai Cập tăng 70% hay Arab Saudi tăng 72%. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản trong tháng 10 đã tăng gần 31% so với cùng kỳ...
Bên cạnh các dấu hiệu tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm. Tạp chí Thủy sản cho biết, dù giá cước vận tải biển quốc tế đã giảm, đặc biệt là tuyến châu Á đi Bờ Tây nước Mỹ và châu Âu, mang lại cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp, nhưng khó khăn về nguồn nguyên liệu trong nước và tác động từ cuộc xung đột giữa Israel và Iran dự kiến sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng xuất khẩu.
Ngoài ra, việc cá ngừ đóng hộp của Việt Nam bị áp thuế cao cũng là một khó khăn lớn. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, cá ngừ đóng hộp đang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 trong tổng xuất khẩu cá ngừ, chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Mỹ, Israel và EU là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam.
Theo các thoả thuận trong các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước, các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang nước đối tác muốn được hưởng ưu đãi thuế quan phải có xuất xứ thuần tuý, tức là được nguyên liệu phải do tàu của quốc gia thành viên FTA đánh bắt, sản xuất tại Việt Nam.
Các sản phẩm cá ngừ đóng hộp hay loin cá ngừ hấp đông lạnh mã HS16 khi xuất khẩu sang EU sẽ bị áp thuế 24%, khó có thể cạnh tranh được với các nước đang được hưởng ưu đãi thuế quan, hay các sản phẩm loin cá ngừ giá rẻ của Trung Quốc (miễn thuế theo hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ)…