Theo Báo cáo Tình hình thị trường lao động quý I/2023 của Tổng cục Thống kê, so với quý trước, số lao động nghỉ giãn việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng trong quý đầu năm 2023 giảm, trong khi, đó số lao động mất việc lại tăng lên.
Cơ quan thống kê cho biết, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý I/2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Lao động nghỉ giãn việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, chế xuất
Cụ thể, theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý I/2023 là gần 294 nghìn người, giảm 2 nghìn người so với quý trước, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%).
Trong đó, tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, tiếp theo là dệt may với 18,8% (tương đương với 129.948 lao động da giày và 55.272 lao động dệt may nghỉ giãn việc).
Lao động nghỉ giãn vệc chủ yếu tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang (16 nghìn người), Hải Dương (9,8 nghìn người), Ninh Bình (19,7 nghìn người), Thanh Hóa (62,4 nghìn người), Nghệ An (12,6 nghìn người), Tây Ninh (khoảng 21,8 nghìn người), Bình Dương (khoảng 36,4 nghìn người), Đồng Nai (khoảng 35 nghìn người), Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 19,8 nghìn người), Tiền Giang (khoảng 11,5 nghìn người), Vĩnh Long (khoảng 13,2 nghìn người),…
Cả nước có gần 118 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý IV/2022, sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149 nghìn lao động bị mất việc.
Trong đó, lao động mất việc tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (chiếm tỷ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6% và 17% - tương đương với 29.055 lao động dệt may; 27.714 lao động da giày và 25.339 lao động sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử mất việc).
Lao động mất việc chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng gần 32,6 nghìn người), Bình Dương (khoảng gần 21,7 nghìn người), Bắc Ninh (14 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 7,7 nghìn người),…
Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng tăng, trái ngược với xu hướng các quý trước. Lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông nghiệp tiếp tục đà giảm.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ "lệch pha" giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế - xã hội.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Tỷ lệ này tăng rất nhanh từ thời điểm quý I/2020 và đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III/2021. Khi các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% xuống còn 3,9% vào quý IV/2022. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có dấu hiệu tăng trở lại vào quý I/2023 (đạt 4,5%).
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý I/2023 của khu vực thành thị là 4,2% và khu vực nông thôn là 4,7%. So với quý trước, tỷ lệ này ở khu vực thành thị tăng 0,4 điểm phần trăm, và ở khu vực nông thôn tăng 0,6 điểm phần trăm. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (51,1%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này chiếm trong lực lượng lao động (33,7%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.