Ngân hàng tuần qua: Nhiều nhà băng báo lợi nhuận giảm, Big4 tiếp tục giảm lãi suất huy động

Mạnh Đức | 20:40 23/07/2023

Trong tuần qua, ngành ngân hàng ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến kết quả kinh doanh quý 2, cổ tức và lãi suất.

Ngân hàng tuần qua: Nhiều nhà băng báo lợi nhuận giảm, Big4 tiếp tục giảm lãi suất huy động

7 ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh

Cho đến thời điểm hiện tại đã có 7/27 ngân hàng niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023. Nhìn chung, lợi nhuận của hầu hết ngân hàng đều tăng trưởng chậm lại, thậm chí giảm mạnh và nợ xấu có xu hướng gia tăng.

BacABank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý 1 có kết quả tích cực nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của BacABank đạt 135.266 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,6% lên 96.595 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 8,7% lên 105.366 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng tăng 32% trong 6 tháng lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 316% lên 175 tỷ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của BacAbank tăng từ 0,55% lên 0,7%, vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống.

Lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 của ABBank đạt 67 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản ABBank đạt 154.447 tỷ đồng, tăng 18,7%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,5% lên 84.020 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4%, đạt 87.481 tỷ đồng.

Nợ xấu ABBank tăng lên mức 3.820 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính theo hướng dẫn của NHNN tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN vẫn đảm bảo dưới 3%, ở mức 2,86%.

TPBank báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 3.383 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh cốt lõi – thu nhập lãi thuần giảm 6,8% xuống 5.466 tỷ đồng. Ngân hàng này cho biết nguyên nhân nền kinh tế có nhiều biến động và khó khăn, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức tương đối cao khiến chi phí lãi tăng mạnh nửa đầu năm, từ đó khiến thu nhập lãi thuần sụt giảm.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản ngân hàng đạt 343.407 tỷ đồng, tăng 4,5%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 10% trong 6 tháng lên 177.113 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 2,1% lên 199.127 tỷ đồng. Nợ xấu TPBank tăng lên 3.913 tỷ đồng, chiếm 2,21% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.

LPBank cũng đã công bố báo cáo tài chính, ghi nhận lợi nhuận quý 2/2023 chỉ ở mức 880 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 2.446 tỷ, giảm 32%.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản LPBank đạt 350.243 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,6% lên 253.392 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,8% lên 224.126 tỷ.

Nợ xấu LPBank tăng tới 65% trong 6 tháng lên 5.656 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của LPBank từ mức 1,46% hồi đầu năm tăng lên 2,23% vào cuối tháng 6.

Ngược lại, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của Sacombank tăng mạnh 63,5% so với cùng kỳ, đạt 4.755 tỷ đồng, thực hiện được 50,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng thu nhập thuần 6 tháng đầu năm đạt hơn 13.500 tỷ, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 622 ngàn tỷ, tăng hơn 5% so đầu năm, trong đó tài sản có sinh lời tăng 7,5%. Tổng huy động đạt hơn 549 ngàn tỷ, tăng gần 6%; trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng hơn 10%.

MSB cho biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 6 tháng của ngân hàng đạt 3.548 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch năm.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của MSB đạt hơn 237.800 tỷ đồng, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2022. Tổng cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng qua đạt gần 136.600 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 13,2%. Tiền gửi khách hàng tháng ghi nhận gần 126.300 tỷ đồng, tăng 7,8%.

Về các chỉ số an toàn hoạt động, tỷ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ tại 30/6/2023 của MSB được kiểm soát ở mức 1,73%.

Với PGBank, lợi nhuận trước thuế quý 2 của nhà băng này đạt 150 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng 24%.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản PGBank đạt 46.986 tỷ đồng, giảm 4,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% lên 30.249 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 0,1% xuống 31.228 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng tăng 12,7% lên 839 tỷ đồng, chiếm 2,77% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này tăng so với mức 2,56% hồi đầu năm.

Big4 tiếp tục giảm lãi suất huy động

Từ ngày 21/7, BIDV đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới, tại quầy giao dịch, ngân hàng giảm 0,1 điểm % ở kỳ hạn gửi 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3%/năm. Ngân hàng giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn còn lại, cao nhất vẫn là 6,3%/năm tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Đối với tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm từ 4% xuống 3,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,6 xuống 5,3%/năm.

Đối với hình thức gửi tại quầy, Vietcombank cũng giảm 0,1 điểm % ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3%/năm.

Đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1 điểm % xuống 4,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng giảm 0,1% xuống 5,1%/năm.

Tại Agribank , lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 13 tháng – 24 tháng đồng loạt giảm từ 6,3%/năm xuống 6%/năm. Ngoài ra, ngân hàng cũng giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng từ 3,4% xuống 3,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng được giữ nguyên 6,3%/năm.

VietinBank cũng có điều chỉnh tương tự, ngân hàng giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng tại quầy từ 3,4 xuống 3,3%/năm. Trong khi đó, các mức lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng vẫn như cũ, lần lượt là 4,1 – 5 – 6,3%/năm.

Theo quan sát, hiện lãi suất kỳ hạn ngắn 1-3 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh đã trở về ngang với cùng kỳ (tháng 7/2022). Trong khi đó, lãi suất trung - dài hạn vẫn còn cao hơn khoảng 1%/năm.

Ngân hàng dồn dập trả cổ tức

Tuần qua, MB và HDBank cũng đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 17/7 và 20/7 để trả cổ tức bằng cổ phiếu với cùng tỷ lệ 15%.

Trong tuần tới, Vietcombank sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/7 để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020. Tương ứng, ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/7.

Cụ thể, Vietcombank sẽ phát hành phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).

SHB cũng sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 25/7 để trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/7.

LPBank cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8/2023 để phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 19 cổ phiếu). Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.285 tỷ đồng.

Trong khi Eximbank dự kiến hoàn thành việc trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 18% trước ngày 30/10.

Cổ phiếu VPB và SHB dẫn đầu tăng giá nhóm ngân hàng

Xu hướng tăng giá tiếp tục chiếm áp đảo tại nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (17/7 - 21/7) với 18 mã tăng giá, 6 mã giảm và 3 mã đứng tham chiếu. Trong đó, VPB là mã tăng tốt nhất toàn ngành với mức +7,5%, kết tuần tại 21.400 đồng/cp.

Cùng với VPB, nhiều mã ngân hàng cũng có được mức tăng giá tốt như SHB (+5,1%), HDB (+4,7%), MSB (+4,3%), LPB (+4%),…

Thanh khoản toàn ngành vẫn duy trì được ở mức cao, với hơn 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch. Trong đó, STB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành về giá trị giao dịch, đạt hơn 3.800 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch của VPB cũng "bùng nổ" khi tăng 80% so với tuần trước, đạt 3.606 tỷ đồng. Cổ phiếu này được giao dịch nhộn nhịp theo cả phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng tuần qua: Nhiều nhà băng báo lợi nhuận giảm, Big4 tiếp tục giảm lãi suất huy động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO