Ngân hàng tuần qua: Lãi suất huy động 8% "biến mất" tại kỳ hạn 12 tháng, hai nhà băng chốt quyền chia cổ tức vào tháng 7

Quốc Thụy | 20:29 02/07/2023

Trong tuần qua, ngành ngân hàng ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến diễn biến lãi suất, cổ tức, cổ phiếu thưởng và thay đổi nhân sự cấp cao.

Ngân hàng tuần qua: Lãi suất huy động 8% "biến mất" tại kỳ hạn 12 tháng, hai nhà băng chốt quyền chia cổ tức vào tháng 7

Lãi suất huy động 8% chính thức biến mất tại kỳ hạn 12 tháng

Trong tuần qua, một loạt ngân hàng đã giảm thêm lãi suất huy động, với mức điều chỉnh phổ biến ở mức 0,2 – 0,5 điểm % tập trung vào các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Khảo sát biểu lãi suất huy động 34 ngân hàng trong nước vào đầu tháng 7, tại kỳ hạn gửi 12 tháng không còn ngân hàng nào niêm yết trên mốc 8%/năm. Mức cao nhất được ghi nhận là 7,8%/năm tại các ngân hàng nhỏ như ABBank, BacABank, hoặc một số khác ở mức 7,7%/năm là PVCombank, NamABank, Vietbank,BVBank,…

Hầu hết các ngân hàng tư nhân lớn đều đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7-7,3%/năm như HDBank, VPBank, SHB, Techcombank. Trong khi một số khác niêm yết còn quanh 6,5%/năm như Sacombank, MB.

Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ ở mức 6,3%/năm, thấp nhất so với các nhà băng khác trong hệ thống.

Hồi đầu năm 2023, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức trên dưới 10% cho kỳ hạn này.

Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1,5 – 3 điểm % so với mức đỉnh điểm ghi nhận vào cuối tháng 1/2023.

Ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất cho vay

Trong tuần qua, nhiều ngân hàng tiếp tục tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh và mua nhà ở thương mại.

Như BIDV vừa triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Theo đó, đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng, các chủ đầu tư đáp ứng đủ điều kiện sẽ được vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm. Đây là đợt giảm lãi suất cho vay lần thứ 2 trong năm của ngân hàng này.

MSB cũng vừa ra thông báo, từ nay đến 31/12/2023, sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng cá nhân đang vay vốn. Trước đó hồi tháng 5, MSB đã giảm lãi suất tham chiếu đối với khách hàng cá nhân vay có tài sản đảm bảo xuống 0,5%; giảm lãi suất cơ sở đối với các khoản vay không tài sản đảm bảo xuống 1%.

Tại LPBank, quy mô gói ưu đãi cho vay sản xuất kinh doanh đã được nâng từ 8.000 tỷ lên 10.000 tỷ. Trong đó, khách hàng doanh nghiệp sẽ được tiếp cận vốn với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm và khách hàng cá nhân là 8,5%/năm. Lãi suất này sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn.

Hay SHB cũng có chương trình ưu đãi lãi suất cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp với tổng quy mô vốn lên đến 6.000 tỷ đồng. Trong đó, 5.000 tỷ được dùng cho vay bổ sung vốn lưu động ngắn hạn với lãi suất từ 8,97%/năm; 1,000 tỷ đồng để tài trợ mua ô tô, với thời gian vay từ 36 tháng trở lên, lãi suất 9%/năm trong 06 tháng đầu hoặc từ 10,8%/năm trong 12 tháng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi. Đồng thời, các nhà băng phải tuân thủ cam kết giảm lãi suất cho vay. Trong đó, các ngân hàng phải giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Lãi suất liên ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất 1 năm

Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên 29/6 đã giảm về còn 0,39%/năm, thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2022.

So với mức trên dưới 4% ghi nhận hồi đầu tháng, chi phí vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng hiện chỉ bằng 1/10. Với diễn biến trên lãi suất qua đêm liên ngân hàng hiện chỉ còn cao hơn vùng đáy lịch sử (0,1 – 0,2%/năm) duy trì trong những tháng cuối năm 2020.

Cùng với kỳ hạn qua đêm, hai kỳ hạn chủ chốt khác là 1 tuần và 2 tuần cũng giảm về còn lần lượt 1,2% và 1,43% - đều là mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

Dù lãi suất giảm sâu, khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao 230.000 – 240.000 tỷ/phiên cho thấy sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Eximbank thay chủ tịch

Ngày 28/6, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank đã có Nghị quyết số 216/2023/EIB/NQ-HĐQT bổ nhiệm bà Đỗ Hà Phương làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025), bắt đầu hiệu lực từ ngày 28/6/2023.

Đồng thời, HĐQT miễn nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT từ ngày 28/6/2023. Sau khi miễn nhiệm, bà Tú vẫn là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Bà Đỗ Hà Phương tham gia vào Eximbank được hơn 1 năm. Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 15/2/2022, bà Phương cùng với 6 người khác được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ (2020-2025).

Được biết, bà Đỗ Hà Phương sinh năm 1984, đã có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng. Bà có trình độ Cử nhân Kế toán - Trường Đại học George Mason - Hoa Kỳ, Thạc sỹ Tài chính quốc tế - Trường Đại học Westminster - Anh Quốc.

Bà Phương là người đồng sáng lập Công ty TNHH VNInvest Partners. Bà từng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính kế toán và tài chính ngân hàng như Tư vấn thuế - Ernst &Young Hoa Kỳ, Kiểm toán và tư vấn tài chính cao cấp - Ernst &Young Việt Nam, Giám đốc cấu trúc tài chính, cơ cấu nợ và nhận diện rủi ro tín dụng - Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB),…

NCB chính thức có Tổng Giám đốc

Trong tuần qua, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã công bố quyết định của HĐQT về việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Tạ Kiều Hưng chính thức giữ chức vụ Tổng Giám đốc của NCB từ ngày 27/6/2023.

Ông Tạ Kiều Hưng sinh năm 1980, là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Trung tâm Đào tạo về Quản lý Pháp-Việt (CFVG) - Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, với nhiều chức vụ quan trọng tại Techcombank như: Giám đốc chuyển đổi mảng quản trị rủi ro khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa & nhỏ, Giám đốc Phát triển kinh doanh Khối Bán lẻ, Giám đốc sản phẩm Khối bán lẻ, Giám đốc Sáng kiến chuyển đổi năng lực lãnh đạo, Giám đốc Vùng,…

Tháng 12/2022, ông Hưng gia nhập NCB với vai trò Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân. Tháng 4/2023, Hội đồng quản trị NCB bổ nhiệm ông Tạ Kiều Hưng giữ chức Quyền Tổng Giám đốc NCB.

Nam A Bank và HDBank thông báo ngày chốt quyền chia cổ tức, thưởng

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – Mã: NAB) thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 7/7 để phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành thêm hơn 211,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:25, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu lẻ phát sinh do làm tròn xuống (nếu có) sẽ được hủy bỏ.

Nguồn vốn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu, bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần tại ngày 31/12/2022 căn cứ trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán độc lập của Nam A Bank, tương ứng lần lượt gần 544,26 tỷ đồng và 1.571,83 tỷ đồng.

Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của Nam A Bank sẽ tăng thêm 2.116 tỷ đồng, từ hơn 8.464 tỷ đồng lên hơn 10.580 tỷ đồng.

Hội động quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HDB) tuần qua cũng đã chấp thuận ngày 20/7 là đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/7.

Theo phương án phát hành, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 15 cổ phiếu mới. Nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 theo báo cáo tài chính được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ.

Như vậy năm nay cổ đông của HDBank tiếp tục nhận cổ tức với tổng tỷ lệ 25%. Mới đây, hôm 12/6, cổ đông nhà băng này đã nhận được cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng tuần qua: Lãi suất huy động 8% "biến mất" tại kỳ hạn 12 tháng, hai nhà băng chốt quyền chia cổ tức vào tháng 7
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO