Dòng vốn vào ETF nội “hụt hơi”, vì sao các ETF ngoại vẫn hút ròng hàng nghìn tỷ trong nửa đầu năm?

Hà Linh | 20:05 02/07/2023

Ngoài yếu tố định giá thị trường không còn thực sự hấp dẫn, các quỹ ETF nội còn vướng những vấn đề nan giải khác.

Dòng vốn vào ETF nội “hụt hơi”, vì sao các ETF ngoại vẫn hút ròng hàng nghìn tỷ trong nửa đầu năm?

Sau một năm bùng nổ trên diện rộng, dòng vốn qua các quỹ ETF đã có sự phân hoá rõ rệt trong nửa đầu năm 2023. Trong khi các ETF ngoại như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF, Fubon ETF vẫn hút tiền khá mạnh, các ETF nội tiêu biểu như DCVFM VNDiamond ETF, DCVFM VN30 ETF, SSIAM VNFinLead ETF, KIM VNFinSelect ETF lại có phần “hụt hơi” trông thấy.

screenshot-2023-07-02-at-14.39.39.png

Bộ đôi DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF đều bị rút ròng lần lượt 186 tỷ và 166 tỷ đồng sau nửa năm. Đây là điều khá bất ngờ khi DCVFM VNDiamond ETF từng là thỏi nam chấm hút vốn ngoại rất mạnh trong năm ngoái với giá trị vào ròng hơn 7.000 tỷ đồng, xếp thứ 2 toàn thị trường.

Trong khi đó, việc bị rút vốn không phải điều quá xa lạ với DCVFM VN30 ETF khi quỹ này từng có thời gian dài bị rút ròng trước khi bất ngờ hút tiền mạnh từ quý 4/2022 đến tháng 1/2023. Đây là giai đoạn tiền ngoại đổ vào bắt đáy chứng khoán Việt Nam rất mạnh và kéo thị trường hồi phục nhanh từ đáy dài hạn.

screenshot-2023-07-02-at-17.47.23.png

2 quỹ mô phỏng rổ chỉ số tài chính là SSIAM VNFinLead ETF và KIM VNFinSelect ETF không bị rút vốn nhưng giá trị hút ròng cũng khiêm tốn, lần lượt 175 tỷ và 123 tỷ đồng. “Tân binh” MAFM VNDiamond ETF cũng chỉ hút ròng được 95 tỷ trong đó đã bao gồm 54 tỷ vốn thu hút từ đợt IPO. Trong khi đó, dòng vốn qua các ETF nội khác gần như đáng kể, thậm chí một số quỹ như DCVFM VNMidcap và IPAAM VN100 ETF còn không hút được tiền.

Trong bối cảnh dòng tiền vào các ETF nội suy yếu, các ETF ngoại vẫn hút tiền mạnh trong 6 tháng đầu năm. VNM ETF hút ròng 76,26 triệu USD (~1.800 tỷ đồng), FTSE Vietnam ETF hút ròng 65,4 triệu USD (~1.500 tỷ đồng) và Fubon ETF cũng hút ròng 56,2 triệu USD (~1.300 tỷ đồng). Tuy nhiên, phần lớn giá trị trên đều dồn vào giai đoạn quý đầu năm.

screenshot-2023-07-02-at-19.04.45.png

Vì sao có sự trái chiều?

Thực tế, định giá là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng tiền ngoại. Giai đoạn xuống đáy dài hạn cuối năm ngoái, khối ngoại đã mua ròng rất mạnh cổ phiếu Việt Nam qua đó góp phần đẩy thị trường hồi phục nhanh chóng. Xu hướng này được tiếp diễn sang những tháng đầu năm khi mức định giá dù không còn rẻ hiếm thấy nhưng cũng chưa quá cao.

Ngoài ra, các ETF ngoại còn có một số hoạt động đang chú ý như VNM ETF thực hiện cơ cấu danh mục để đổi chỉ số sang “full” cổ phiếu Việt Nam; Fubon ETF cũng rục rịch huy động vốn bổ sung đợt 5. Tuy nhiên, dòng vốn đã suy yếu từ quý 2 sau khi các hoạt động trên kết thúc cộng thêm định giá thị trường cũng tăng vọt sau khi lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.

screenshot-2023-07-02-at-19.37.29.png

Trong khi đó với ETF nội, ngoài yếu tố định giá thị trường không còn thực sự hấp dẫn, các quỹ còn vướng những vấn đề nan giải khác. Điển hình như DCVFM VNDiamond ETF, NAV chạm ngưỡng giới hạn 18.000 tỷ khiến quỹ không thể giải ngân thêm vào một số cổ phiếu do vướng quỹ định không nắm quá 10% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của một cổ phiếu thành phần.

Với bộ đôi ETF mô phỏng chỉ số tài chính (VNFinlead và VNFinSelect), tăng trưởng tín dụng thấp cùng lo ngại về rủi ro gia tăng nợ xấu đã ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng cổ phiếu ngân hàng và khiến 2 quỹ khó hút vốn. Các quỹ ETF quy mô nhỏ khác lại có danh mục không thực sự hấp dẫn, chưa có sự khác biệt để có thể thu hút dòng tiền.

Chứng khoán Việt Nam vẫn hút khối ngoại

Áp lực rút vốn trong ngắn hạn là khó tránh khỏi khi chính sách tiền tệ của Fed vẫn chưa đảo chiều dù đã có phần bớt diều hâu hơn. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn có những điểm sáng đến từ tình hình vĩ mô ổn định và khả năng hồi phục của các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá cao.

Theo một số nhận định, dòng tiền ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại khi thị trường Việt Nam bước qua chu kỳ suy giảm lợi nhuận. Theo ông Trần Ngọc Báu - CEO Wi Group, mức độ suy giảm lợi nhuận có thể sẽ chậm lại từ quý 2, thậm chí một vài ngành còn được kỳ vọng bắt đầu tăng trưởng nhẹ trở lại. Đây cũng là thời điểm mà chi phí vốn sẽ giảm nhanh và duy trì ở mặt bằng thấp. Điều này có thể sẽ hỗ trợ diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.

Trong một báo cáo gần đây, Dragon Capital đã cho thấy sự lạc quan của nhóm quỹ ngoại này vào giai đoạn sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Dragon Capital, giai đoạn phục hồi đang bắt đầu với 4/5 tiêu chí chuyển biến tích cực, 2023 là năm để tích lũy những cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư nên thận trọng trong việc chọn lọc cổ phiếu tốt và sẵn sàng tận dụng cơ hội để đầu tư khi thị trường điều chỉnh.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đang nỗ lực để đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX. Đây có thể coi là điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường. Việc nâng hạng sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Việt Nam qua đó thu hút được dòng vốn quốc tế. Dự báo 3,5-4 tỷ USD mua mới cổ phiếu Việt Nam sẽ diễn ra khi thị trường được nâng hạng. Dòng vốn quốc tế một khi được kích hoạt sẽ có tác động rất tích cực lên toàn thị trường và thể hiện đặc biệt rõ trong giai đoạn đầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dòng vốn vào ETF nội “hụt hơi”, vì sao các ETF ngoại vẫn hút ròng hàng nghìn tỷ trong nửa đầu năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO