Ngân hàng số chuẩn bị cho các rủi ro an toàn thông tin

Vân Anh | 00:40 19/11/2021

Khi dịch Covid-19 xảy ra năm 2021, số lần tấn công của các đối tượng vào khách hàng của ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ chuyển tiền quốc tế... gấp 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Ngân hàng số chuẩn bị cho các rủi ro an toàn thông tin
Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã diễn ra tại Hà Nội ngày 18/11.

Việt Nam có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất khu vực

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng.

Hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực. Các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, tín dụng, tiết kiệm, thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm khoảng 90% về số lượng và 150% về giá trị.

Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số và ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số.

TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để xây dựng và phát triển kinh tế số thì một trong những ngành đóng vai trò rất quan trọng đó là ngành ngân hàng, được coi là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân và cũng là ngành xác định là ngành tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, phát triển, đề xuất các chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào nhận định, khảo sát của Visa về thói quen và thái độ của người tiêu dùng trong thanh toán cho thấy đang có xu hướng ưa thích thanh toán không tiền mặt và ước tính 78% sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số kể cả khi đại dịch kết thúc.

Ngoài ra, xu hướng chuyển sang không dùng tiền mặt nhờ sử dụng thẻ không tiếp xúc khoảng 65% và ví điện tử khoảng 70%.

Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng Giám đốc VPBank lưu ý, ngân hàng thông minh cần phải đi trước đón đầu nhu cầu của khách hàng, gợi mở cho khách hàng về dịch vụ họ sẽ cần trong tương lai.

Bên cạnh đó phải tăng cường khả năng sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong phân tích hành vi khách hàng để dự báo chi tiêu cần thiết. Cần có suy nghĩ và có cách tiếp cận khác trong hoạt động cho vay, thẩm định tài sản đảm bảo… và để làm được những điều này, yếu tố công nghệ sẽ hỗ trợ rất lớn.

Trong dịch Covid-19, lượng tấn công lừa đảo khách hàng tăng gấp 3 lần

Thời gian qua, ngành Ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số đã thu được nhiều kết quả tích cực, với sự tham gia của cộng đồng các ngân hàng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.

“Kết quả tích cực là thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra. Trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách không chỉ tập trung hoàn thiện trong lĩnh vực thanh toán như thời gian vừa qua mà cần hoàn thiện chính sách cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số cũng như tạo ra môi trường vừa cạnh tranh. Đồng thời, các ngân hàng phải hợp tác cùng các công ty công nghệ tài chính và các doanh nghiệp công nghệ lớn, giúp thúc đẩy phát triển ngân hàng thông minh nhưng phải an toàn.”, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề bảo mật khi sử dụng ngân hàng số, ông Lê Quang Hà - Giám đốc sản phẩm Công ty An ninh mạng Viettel cho rằng, trong tiến trình phát triển ngân hàng thông minh qua chuyển đổi số, ngân hàng cũng phải chuẩn bị cho các nguy cơ rủi ro an toàn thông tin.

Thống kê của Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ của Viettel cho thấy, hình thức phổ biến nhất là hacker gửi tin nhắn chứa đường link giả mạo trang web của ngân hàng về tri ân, trúng thưởng... khi khách hàng nhấp vào sẽ mất thông tin, mã OTP và mất tiền trong tài khoản.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xảy ra năm 2021, số lần tấn công của các đối tượng vào khách hàng của ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ chuyển tiền quốc tế... gấp 3 lần so với cùng kỳ 2020.

“Các giải pháp an toàn thông tin là xuyên suốt và không tách rời khi ngân hàng tăng cường chuyển đổi số cho khách hàng. Quy trình đảm bảo an toàn thông tin cần được thông minh hóa, tự động hóa, luôn đặt ra giả thuyết để săn tìm các nguy cơ một cách chủ động để thời gian phát hiện các nguy cơ càng nhỏ, chi phí xử lý sẽ càng thấp, tối ưu an toàn thông tin cho khách hàng”, ông Lê Quang Hà nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng số chuẩn bị cho các rủi ro an toàn thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO