Nga thất thế trong cuộc đua năng lượng, quốc gia này bỗng nhanh chân chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, có một năm 'trúng đậm' từ dầu thô đến khí đốt

Khánh Vy | 18:15 03/01/2024

Vượt qua Australia và Qatar, Mỹ lần đầu trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên (LNG) lớn nhất thế giới trong năm 2023.

Nga thất thế trong cuộc đua năng lượng, quốc gia này bỗng nhanh chân chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, có một năm 'trúng đậm' từ dầu thô đến khí đốt

Theo Bloomberg, Mỹ lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, vượt qua hai nước xuất khẩu hàng đầu là Australia và Qatar. Theo đó, Mỹ đã xuất khẩu 91,2 triệu tấn LNG trong năm 2023, tăng 14,7% so với năm 2022.

Qatar, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới năm 2022, ghi nhận sản lượng giảm lần đầu tiên kể từ ít nhất năm 2016 (giảm 1,9%), đẩy nước này xuống vị trí thứ ba. Còn Australia đứng thứ hai với sản lượng xuất khẩu không thay đổi nhiều so với năm 2022.

Alex Munton - Giám đốc nghiên cứu khí đốt và khí hóa lỏng toàn cầu tại hãng tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group - cho biết năm 2023, Mỹ nổi bật trên thế giới về tăng trưởng nguồn cung LNG.

"Sản lượng kỷ lục của Mỹ được thúc đẩy bởi 2 yếu tố. Một là cảng xuất khẩu Freeport LNG hoạt động hết công suất trở lại, giúp sản lượng tăng 6 triệu tấn. Hai là sản lượng cả năm tại cơ sở Calcasieu Pass của Venture Global LNG - liên doanh giữa ExxonMobil và QatarEnergy - tăng 3 triệu m3 so với năm 2022", Munton giải thích.

Hãng thông tin tài chính LSEG cũng cho rằng sự trở lại của Freeport LNG sau khi xảy ra sự cố năm 2022 và việc các cơ sở khác tăng hiệu suất xử lý đã giúp xuất khẩu LNG của Mỹ lên kỷ lục.

tai-xuong-5-.jpg
Mỹ đã vượt Australia và Qatar để trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm 2023.

Châu Âu tiếp tục là điểm đến hàng đầu của LNG Mỹ trong tháng 12, với 5,43 triệu m3, chiếm hơn 61%. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với 68% của tháng 11, do thời tiết ấm hơn bình thường và dự trữ khí đốt lớn tại châu Âu. Theo báo cáo của công ty tư vấn Rystad Energy, vào đầu tháng 12/2023, các kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã đầy khoảng 97%.

Châu Á đứng thứ hai với 2,29 triệu tấn tháng 12, chiếm 26,6% LNG xuất khẩu của Mỹ, tăng so với 18,5% của tháng trước đó. Trong khi đó, xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Mỹ Latin là khoảng 500.000 tấn, chiếm gần 6%.

Cuộc cách mạng khí đá phiến, cùng hàng tỷ USD đầu tư vào các cơ sở hóa lỏng đã biến Mỹ từ nước nhập khẩu ròng LNG thành nhà cung cấp lớn với sản phẩm này nhiều năm qua. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu và việc các nước chuyển hướng mua khí đốt khỏi Nga cũng làm tăng nhu cầu khí hóa lỏng Mỹ.

Bên cạnh khí đốt, dầu thô cũng trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ trong năm 2023. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã vượt xa dự báo trước đó và tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều trong năm nay, bù đắp phần thiếu hụt của thế giới khi OPEC+ nỗ lực đẩy giá dầu lên cao bằng cách phối hợp cắt giảm nguồn cung.

EIA cho biết trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) vào tháng 12 năm nay, sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến ở mức trung bình 12,93 triệu thùng/ngày và tăng thêm lên mức trung bình 13,11 triệu thùng/ngày vào năm tới.

Tham khảo: Bloomberg, Reuters


(0) Bình luận
Nga thất thế trong cuộc đua năng lượng, quốc gia này bỗng nhanh chân chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, có một năm 'trúng đậm' từ dầu thô đến khí đốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO