Đầu tháng này, Bộ Tài chính, ngân hàng trung ương Nga và công ty tư vấn Yakov & Partners đã công bố nội dung phác thảo về kế hoạch tương lai của nước này trong một báo cáo. Ngoài việc ủng hộ thành lập các hệ thống thanh toán thay thế dựa trên các đồng tiền tệ ngoài USD, Nga cũng thúc đẩy việc tạo ra các trung tâm giao dịch đối với hàng hoá.
Nga được coi là “cường quốc” hàng hoá và nhà sản xuất dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, vàng và ngũ cốc lớn. Tuy nhiên, Mỹ đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt với Nga, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dầu khí của nước này.
Báo cáo mới đề xuất việc thành lập các quỹ cho trung tâm giao dịch hàng hoá, song chưa cung cấp nội dung chi tiết. Các tổ chức trên viết trong báo cáo: “Biện pháp này sẽ đảm bảo sự độc lập trong diễn biến giá cả và đối với các nền kinh tế của khối BRICS.”
Biện pháp nêu trên sẽ là nỗ lực khác mà Nga đang thực hiện để duy trì hoạt động thương mại trong bối cảnh nước này phải chịu nhiều lệnh trừng phạt, ví dụ như lệnh cấm các ngân hàng giao dịch liên quan đến các doanh nghiệp Nga.
Một cách khác mà Nga thực hiện để né tránh các lệnh trừng phạt là trao đổi hàng hoá. Theo hãng thông tấn Nga Tass, một công ty Nga đã đạt được thoả thuận trao đổi đậu gà và đậu lăng để lấy quýt, gạo và khoai tây của Pakistan vào đầu tháng này.
Theo báo cáo, các hệ thống thanh toán thay thế và trao đổi hàng hoá như vậy được thực hiện trên nguyên tắc “bất kỳ tổ chức nào có liên quan, ngay cả khi phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ bên ngoài, sẽ vẫn được tiếp cận thị trường trong nước mà không gặp khó khăn, cho phép họ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong nước và xuyên biên giới một cách hiệu quả.”
Ngoài ra, việc chuyển hoạt động thương mại của BRICS sang các trung tâm giao dịch trong khối cũng sẽ bao gồm việc sử dụng các đồng tiền nội tệ, theo đó tạo điều kiện cho nỗ lực phi đô la hoá.
Báo cáo mới của Nga được đưa ra vài tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh BRICS thường niên được tổ chức vào ngày 22-24/10 tại Kazan. Đề xuất này cũng được công bố vài tháng sau khi Nga thông báo về việc trao đổi ngũ cốc cho các thành viên BRICS hồi tháng 4.
Các nước thành viên BRICS là những nước sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới, trong đó Nga chiếm khoảng 25% lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới. Brazil chiếm khoảng 60% lượng xuất khẩu đậu tương và Ấn Độ đóng góp khoảng 40% lượng xuất khẩu gạo của thế giới.
Trong khi đó, hầu hết giá ngũ cốc trên toàn cầu được thiết lập trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CME) và được định danh bởi đồng USD.
Liên minh các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Nga đã gửi một bức thư đến Bộ Nông nghiệp nước này vào tháng 12 và đề xuất một sàn giao dịch ngũ cốc trong BRICS. Nhóm này cho hay: “Các thành viên BRICS là những nhân tố chính trên thị trường ngũ cốc toàn cầu, giá cả của những sản phẩm này lại thường bị nước thứ 3 điều chỉnh.”
Hiện tại, Nga đang gặp khó khăn trong việc thay đổi những nguyên tắc cơ bản của các hệ thống giao dịch tài chính vốn phụ thuộc vào đồng USD. Các bên tham gia giao dịch bằng đồng USD có thể dễ dàng liên quan và đóng vị thế, trong khi việc trao đổi hàng hoá hay sử dụng các đồng tiền tệ khác có thể làm giảm tính thanh khoản và linh hoạt của giao dịch.
Vì khối lượng giao dịch ngũ cốc trên CME rất lớn, nên các sàn mới sẽ rất khó để thu hút các bên tham gia. Ví dụ, hợp đồng tương lai dầu thô Brent vẫn là mốc tham chiếu của thế giới và được giao dịch rất nhiều, dù các mỏ dầu Brent ở Scotland lại đang ngừng hoạt động do cạn kiệt tài nguyên.
IMF giải thích trong một báo cáo năm 2021 rằng, do bản chất mạng lưới của thị trường nên các thị trường có thanh khoản cao sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư giao dịch hơn.
Tham khảo BI