Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ‘báo động đỏ’: Một kỷ lục buồn thời kỳ khủng hoảng kinh tế hơn 3 thập kỷ trước nhăm nhe trở lại, chưa tìm thấy lối thoát thì lại sắp thêm chông gai từ ông Trump

Y Vân | 15:37 17/12/2024

Một loạt các biện pháp kích thích mạnh tay vẫn chưa đủ để Trung Quốc thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ‘báo động đỏ’: Một kỷ lục buồn thời kỳ khủng hoảng kinh tế hơn 3 thập kỷ trước nhăm nhe trở lại, chưa tìm thấy lối thoát thì lại sắp thêm chông gai từ ông Trump

Vòng xoáy giảm phát tại Trung Quốc vẫn dai dẳng. Giá cả tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã giảm trong 6 quý liên tiếp. Nếu giảm thêm 1 quý nữa thì chuỗi giảm này sẽ lặp lại giai đoạn giảm phát kỷ lục được thiết lập trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990.

Các nhà hoạch định chính sách đã cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng và ngăn đà giảm giá khi Bắc Kinh chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại với sự trở lại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Tại sao Trung Quốc lại rơi vào tình trạng giảm phát?

Giảm phát là tình trạng giá cả hàng hóa và dịch vụ giảm trên toàn nền kinh tế. Sức mua yếu và bất động sản suy thoái đã làm giảm niềm tin người tiêu dùng, khiến người dân không mua những mặt hàng đắt tiền.

Việc thắt chặt các quy định đối với các ngành công nghiệp trả lương cao như công nghệ và tài chính đã dẫn đến sa thải và cắt giảm lương, từ đó khiến nhu cầu chi tiêu lao dốc thêm.

Ngoài ra, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và hàng hóa công nghệ cao dẫn đến sản lượng tăng. Nhưng nhu cầu vẫn yếu, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá.

Hậu quả

Giảm phát sẽ khiến hoạt động kinh tế suy giảm, gây áp lực lên thu nhập. Do đó, tiêu dùng có khả năng giảm thêm và giá cả tiếp tục giảm.

Giảm phát cũng làm tăng mức lãi suất “thực”, hay còn gọi là lãi suất điều chỉnh theo lạm phát, trong nền kinh tế. Chi phí lãi vay cao khiến doanh nghiệp khó đầu tư hơn, từ đó làm giảm cầu và giảm phát thêm trầm trọng.

Tại sao giảm phát ở Trung Quốc lại khó giải quyết?

Bắc Kinh đã ứng phó với các đợt giảm phát trước đây bằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và kích thích tài khóa lớn. Kể từ khi đại dịch xảy ra, chính phủ thực hiện kích thích thận trọng hơn vì lo ngại áp lực nợ lên nền kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách không muốn quay lại với chiến lược cũ là xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy bất động sản bùng nổ. Họ quyết tâm chuyển hướng nền kinh tế sang các động lực tăng trưởng mới như công nghệ tiên tiến. Do đó, các biện pháp kích thích đã bị hạn chế tương đối và các nhà đầu tư có phần bi quan về triển vọng kinh tế.

Trung Quốc đã làm gì và tác động ra sao?

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – ngân hàng trung ương nước này – đã cắt giảm lãi suất nhiều lần trong 2 năm qua để thúc đẩy nhu cầu. Các quan chức đã cố gắng hỗ trợ thị trường bất động sản bằng cách nới lỏng các hạn chế mua và giảm lãi suất thế chấp.

Các ngân hàng được yêu cầu nới “room” tín dụng cho các công ty xây dựng để tiếp tục các dự án bị đình trệ. Chính quyền địa phương được khuyến khích mua các căn hộ chưa bán được và chuyển đổi thành nhà ở xã hội.

Trung Quốc cũng đưa ra trợ cấp cho việc mua ô tô và đồ gia dụng, đồng thời mở rộng hỗ trợ cho các gia đình có thu nhập thấp và sinh viên.

Một kế hoạch kích thích đã được triển khai từ cuối tháng 9, bao gồm chương trình 1.400 tỷ USD giúp các chính quyền địa phương giải quyết nợ. Các biện pháp này đã giúp nền kinh tế cải thiện trong những tháng gần đây. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng chúng không đủ để đảo ngược xu hướng giảm giá vì thị trường nhà ở vẫn yếu và niềm tin người tiêu dùng vẫn thấp.

Những lo ngại về kế hoạch thuế quan của ông Trump

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và gần đây tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngay khi ông nhậm chức vào tháng tới.

Khả năng xảy ra cuộc cạnh tranh thương mại lần 2 đã làm giảm triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vào năm tới. Điều này có thể làm giảm động lực của ngành vốn đóng góp vào gần 1/4 vào sự tăng trưởng kinh tế của nước này.

Nhu cầu ở nước ngoài suy yếu sẽ khiến các nhà sản xuất càng khó tăng giá trong nước hơn. Điều này có thể làm tăng thêm áp lực giảm phát.

Tác động đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm lợi nhuận của một số công ty Trung Quốc do tác động của giảm phát.

Các hãng sản xuất xe hơi cao cấp và thương hiệu xa xỉ ở nước ngoài đã chứng kiến ​​doanh số sụt giảm tại Trung Quốc khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.

Thị trường trái phiếu đã hưởng lợi lớn khi trái phiếu chính phủ trở nên hấp dẫn hơn nhờ kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay.

Giảm phát ở Trung Quốc cũng có khả năng làm giảm tác động tiêu cực của lạm phát ở những nơi khác trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo Business Time


(0) Bình luận
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ‘báo động đỏ’: Một kỷ lục buồn thời kỳ khủng hoảng kinh tế hơn 3 thập kỷ trước nhăm nhe trở lại, chưa tìm thấy lối thoát thì lại sắp thêm chông gai từ ông Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO