Hơn 70.000 xe điện Trung Quốc chưa bán được đã nằm ứ đọng tại các cảng của Barzil trong năm nay. Đây là dấu hiệu cho thấy các hãng ô tô Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng mạnh mẽ tại quốc gia này.
Các hãng xe Trung Quốc như BYD và Great Wall Motor nhắm tới Brazil như “bàn đạp” mở rộng toàn cầu khi nhiều nền kinh tế khác tăng cường các biện pháp bảo hộ. Brazil hiện là thị trường ô tô lớn thứ 6 thế giới.
Nhưng sau khi thống trị ngành xe điện non trẻ của Brazil, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Tình trạng ô tô ứ đọng tại các cảng bắt nguồn từ việc họ muốn tránh thuế quan mới. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng xe điện của Brazil đang chậm lại, giống như nhiều nơi khác trên thế giới.
Alexander Seitz, chủ tịch điều hành Volkswagen (Đức), chi nhánh Nam Mỹ, cho biết: “Cuộc vui đã kết thúc”. Volkswagen đã bán ô tô tại Brazil từ những năm 1950 và sản xuất một số mẫu xe động cơ đốt trong bán chạy nhất tại quốc gia này.
Gã khổng lồ xe điện BYD đang trên đà vượt mốc doanh số 100 tỷ USD trong năm nay, với Brazil góp công lớn. Đây là thị trường nước ngoài lớn nhất của công ty trong bối cảnh hãng xe phải đối mặt với phản đối các chính phủ ở Mỹ và châu Âu.
Trong thập kỷ trước, Brazil đã miễn thuế nhập khẩu 35% đối với xe điện và xe hybrid (xăng lại điện) nhằm thúc đẩy ngành này. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bị thu hút và dần tạo được chỗ đứng vững chắc ở quốc gia có hơn 200 triệu dân.
BYD đã ra mắt những chiếc xe đầu tiên tại Brazil vào năm 2021 và đẩy nhanh xuất khẩu vào năm ngoái. Với mẫu xe có giá thấp nhất 19.100 USD (485 triệu VND), hãng đã nhanh chóng giành được thị phần từ tay các đối thủ.
Trước lời kêu gọi của các hãng ô tô trong nước, Brazil đã bắt đầu áp thuế 10% lên ô tô nhập khẩu trong năm ngoái và dự kiến tăng dần lên 35% vào giữa năm 2026.
Trước tình hình này, BYD đã ồ ạt xuất khẩu sang Brazil trước khi thuế tăng. Vào đầu tháng 11, một giám đốc điều hành của công ty cho biết họ còn 35.000 xe nằm tại các cảng, tương đương với lượng hàng tồn kho trong khoảng 4 tháng. Alexandre Baldy, phó chủ tịch cấp cao của BYD tại Brazil, cho biết đây là một phần của kế hoạch đi trước thuế quan để duy trì giá cả.
“Chúng tôi đã làm rung chuyển thị trường ô tô Brazil đến mức gieo rắc nỗi sợ hãi cho các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”, Baldy nói trong một cuộc phỏng vấn. “Đối thủ của chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng”.
Tỷ lệ xe điện trong tổng doanh số bán ô tô của Brazil đã tăng gần gấp đôi lên 7% vào tháng 1 so với cùng kỳ năm trước và vẫn duy trì ở mức đó tới nay, theo hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Anfavea. Trong tháng 10, các công ty ô tô đã bán được khoảng 2 triệu xe, bao gồm 140.000 xe điện.
Ở một quốc gia mới bắt đầu xây dựng trạm sạc, việc tìm kiếm khách hàng mới trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các trung tâm dân cư ở Brazil cũng lớn.
“Chúng tôi cần mở rộng cơ sở hạ tầng”, Ricardo Bastos, giám đốc quan hệ chính phủ của Great Wall Motor (Trung Quốc) tại Brazil cho biết. “Doanh số hiện đang tốt, nhưng có tiềm năng tăng trưởng hơn nữa nếu cơ sở hạ tầng tiếp tục phát triển”.
BYD và Great Wall Motor đều đang có kế hoạch mở nhà máy tại Brazil vào năm 2025.
Các hãng xe Trung Quốc khác gần đây cũng đã công bố kế hoạch mở rộng sang Brazil trong bối cảnh làn sóng thuế mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ. Đầu năm nay, Mỹ đã tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc lên 100%.
Omoda và Jaecoo, các thương hiệu thuộc sở hữu của Chery Automotive Co. (Trung Quốc), có kế hoạch ra mắt một số mẫu xe tại Brazil vào năm 2026. GAC cam kết sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Thương hiệu Zeekr thuộc Geely Automotive Holdings gần đây đã bắt đầu giới thiệu các mẫu xe cao cấp tại quốc gia Mỹ Latinh này.
Theo SCMP