Năm mới ảm đạm của giới startup: Chấp nhận bán mình với giá rẻ, phần lớn không đủ tiền hoạt động trong 1 năm

Vũ Anh | 13:55 11/01/2023

Ngành công nghiệp startup hiện đang có một khởi đầu ảm đạm trong năm 2023, với mức định giá được cho là sẽ sụt giảm nhanh chóng.

Năm mới ảm đạm của giới startup: Chấp nhận bán mình với giá rẻ, phần lớn không đủ tiền hoạt động trong 1 năm

Mục tiêu thông thường của những nhà sáng lập khởi nghiệp là giúp startup mình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Nếu may mắn, họ có thể tham gia một thương vụ béo bở, sau đó bán công ty cho một tay thâu tóm lớn hơn. Ví dụ điển hình là thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD được công bố vào tháng 9 giữa công ty khởi nghiệp thiết kế phần mềm Figma và tập đoàn Adobe. Figma sẽ được Adobe mua lại, còn nhà sáng lập Figma, Dylan Field, ‘bỏ túi’ 2 tỷ USD. 

Hồi năm ngoái, các công ty khởi nghiệp không thực sự hoạt động hiệu quả. Theo PitchBook Data, các thương vụ mua lại được trợ vốn bởi liên doanh trong ba quý đầu năm 2022 trị giá 81,7 tỷ USD, giảm 40,7% so với mức 137,8 tỷ USD cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, không một công ty khởi nghiệp công nghệ được trợ vốn bởi liên doanh nào tiến hành IPO vào năm ngoái, theo Bloomberg. 

Trong năm 2022, một “cơn bão hoàn hảo” đã đổ bộ sang lĩnh vực công nghệ vốn đang tăng trưởng phi mã. Lạm phát biến đây trở thành một trong những kẻ thua cuộc lớn nhất sau nhiều tháng trồi sụt, trong bối cảnh lãi suất và lo ngại suy thoái kinh tế đè nặng lên chi tiêu người tiêu dùng và giới quảng cáo. Song song với đó, sự sụp đổ của ngành công nghiệp tiền số càng phủ mây đen lên nhiều startup có liên quan, nhất là sau bê bối FTX.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại khá lạc quan khi nhắc đến triển vọng các thương vụ mua lại vào năm 2023. Theo Ryan Nolan, Giám đốc điều hành của Goldman Sachs, năm nay sẽ chứng kiến ​​sự quay trở lại của các thương vụ mua bán - điều mà phần lớn không có trong năm 2022.

800x-1-2023-01-11t095559.784.jpg
Figma sẽ được Adobe mua lại, còn nhà sáng lập Figma, Dylan Field, ‘bỏ túi’ 2 tỷ USD. 

Tuy nhiên, không phải startup nào cũng may mắn như Figma. Nolan cho biết nguyên nhân của việc thiếu đi phần lớn các thương vụ vào năm ngoái là do mất sự kết nối giữa những người mua đang tìm kiếm một món hời và những người bán cho rằng startup của mình phải được định giá như thời thị trường bùng nổ. 

“Chúng tôi hy vọng khoảng cách đó sẽ thu hẹp vào năm 2023”, Nolan nói. Bản thân Adobe-Figma, dù là một trong những thương vụ thành công nhất mọi thời đại, cũng phần nào cho thấy sự rắc rối trong toàn ngành.  

“Đây là thời điểm thích hợp để các công ty xem xét đâu là đối tác chiến lược phù hợp của mình”, Danny Rimer của Index Ventures, một nhà đầu tư của Figma, cho biết.

Thời điểm trước năm ngoái, các công ty khởi nghiệp đã tận hưởng khoảng thời gian dài kiếm tiền dễ dàng. Sau đó, giới đầu tư trên thị trường đại chúng bắt đầu ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn thay vì tham vọng tăng trưởng nhanh. Tiềm năng cho các đợt IPO lớn giảm sút, theo đó khiến các nhà đầu tư mạo hiểm điều chỉnh danh mục cho phù hợp. 

Khảo sát mới đây với 450 nhà sáng lập công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu ở Mỹ và châu Âu cho thấy, khoảng 80% các startup giai đoạn đầu không có đủ tiền mặt để tiếp tục hoạt động trong 12 tháng kế tiếp. Các nhà đầu tư rót vốn giai đoạn cuối vào các công ty như Klarna, ServiceTitan và Snyk vào năm 2022 đều định giá chúng thấp hơn so với các vòng gọi vốn trước đó.

Theo thống kê gần đây nhất của CB Insights, hiện có hơn 1.200 công ty công nghệ tư nhân trị giá trên 1 tỷ USD. Sự không chắc chắn về cách định giá đang khiến họ khó huy động vốn hơn bao giờ hết. Michael Brown, đối tác tại Fenwick & West LLP, cho biết nhiều người cuối cùng phải chấp nhận bán mình với giá thấp hơn kỳ vọng.

“Các công ty tư nhân dần nhận ra rằng mức định giá trước đây của họ không còn là tiêu chuẩn”, Michael Brown nhận định. 

grr.jpg
Nhà đầu tư cạn vốn, các startup chấp nhận bán mình với giá eo óp, phần lớn không đủ tiền hoạt động trong 1 năm.

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp startup sẽ có một khởi đầu 2023 ảm đạm, trong khi định giá thì sụt giảm mạnh mẽ. Trước đó, trong năm 2022, đầu tư mạo hiểm vào các startup Mỹ đã giảm 1/3 so với năm 2021, theo nghiên cứu từ PitchBook Data. Vốn đầu tư vào các công ty này cũng giảm liên tục hàng quý.

Theo WSJ, khoảng 2.750 công ty khởi nghiệp huy động được tiền vào năm 2021 chưa nhận thêm bất kỳ khoản vốn đầu tư mạo hiểm nào kể từ đó. Nhiều công ty khởi nghiệp, hầu hết còn non trẻ và chưa có lãi, đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tiền mặt trong năm tới.

“Sẽ rất áp lực nếu muốn kiếm tiền bằng mọi giá”, Mark Peter Davis, đối tác quản lý tại Interplay, một công ty mạo hiểm kiêm vườn ươm khởi nghiệp, cho biết. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều nỗi đau như thế này”.

Theo các chuyên gia, đối tác dài hạn chuyên rót vốn vào các công ty đầu tư mạo hiểm đang ghi nhận lợi nhuận không mấy khả quan kể từ ít nhất năm 2006. Miguel Luiña, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Hamilton Lane, cho biết sự thiếu hụt này, kết hợp với các khoản lỗ đầu tư vào cổ phiếu đại chúng và một số tài sản khác, khiến họ không còn nhiều tiền mặt để tiếp tục đầu tư. Định giá các startup đã giảm trung bình 43% trong quý IV so với một năm trước đó, theo PitchBook.

“Một số công ty mới thành lập sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn”, Carolina Brochado, đối tác của EQT Partners nói, đồng thời cho biết tình thế tiến thoái lưỡng nan có thể thúc đẩy nhu cầu được mua lại. Trong một số trường hợp, đây có thể sẽ là “lựa chọn duy nhất”.

Theo: Bloomberg, WSJ 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Năm mới ảm đạm của giới startup: Chấp nhận bán mình với giá rẻ, phần lớn không đủ tiền hoạt động trong 1 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO