Châu Á dẫn đầu thế giới về lượng robot công nghiệp lắt đặt

Anh Ngọc | 11:01 11/01/2023

Trong báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), các chuyên gia cho rằng, châu Á hoàn toàn có thể tận dụng vị thế dẫn đầu trong số hóa để gia tăng hiệu suất, năng suất tổng hợp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.

Châu Á dẫn đầu thế giới về lượng robot công nghiệp lắt đặt

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo của IMF về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở Châu Á để thúc đẩy năng suất".

Theo báo cáo, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của châu Á sau đại dịch đang dần mất đà do những yếu tố như điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, cầu xuất khẩu giảm, sự giảm tốc sâu và bất thường ở Trung Quốc khiến cho triển vọng kinh tế trở nên u ám.

Theo IMF, để vượt qua những thách thức này, con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất của châu Á – con đường chạy qua lãnh địa mà châu lục này vốn vẫn giữ vị trí tiên phong, chính là số hoá.

Công nghệ số có thể gia tăng hiệu suất của cả khu vực tư lẫn khu vực công, mở rộng tài chính bao trùm, cải thiện tiếp cận giáo dục, mở ra các thị trường mới thông qua cho phép doanh nghiệp phục vụ các khách hàng ở xa. Số hoá không chỉ giúp hỗ trợ cho khả năng tự phục hồi trong đại dịch mà kết hợp với các gói hỗ trợ tài khoá lớn, sô hóa còn đem lại sự bảo vệ cho người lao động, học sinh, sinh viên và doanh nghiệp.

Lãnh địa số của châu Á đã nhanh chóng mở rộng trong những năm trở lại đây, bao trùm hàng loạt công nghệ mới đa dạng, từ tự động hoá trong sản xuất chế tạo đến các nền tảng thương mại điện tử, cho đến thanh toán số. Từ con số 40% cách đây 2 thập kỉ, châu lục này đã vươn lên nắm giữ 60% bằng sáng chế về công nghệ số và máy tính trong giai đoạn trước đại dịch.

Theo số liệu từ Liên đoàn Công nghệ Robot Quốc tế (IRF), trong 10 năm trở lại đây, số lượng robot công nghiệp lắp đặt của châu Á luôn dẫn đầu thế giới. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia sử dụng robot nhiều nhất, chiếm khoảng 30% toàn thị trường.

Năm 2011, số robot lắp đặt ở châu Á đạt gần 100.000 robot, gấp đôi so với châu Mỹ. Khoảng cách này ngày càng được nới rộng khi dự báo năm 2024, số lượng robot công nghiệp lắp đặt ở châu Á có thể lên đến hơn 350.000 con, trong khi ở châu Âu và châu Mỹ chỉ dừng lại ở hơn 50.000 robot.

bknejld.png

Báo cáo của IMF cho biết, các tập đoàn Rakuten của Nhật Bản, Alibaba của Trung Quốc, và GoTo của Indonesia là những ông lớn trong thương mại điện tử, với doanh thu sánh ngang với những "ông lớn" như Amazon và Walmart. Ngoài ra, tầng lớp dân số trẻ đang gia tăng ở Bangladesh, Indonesia và Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu các công nghệ mới và trở thành tập khách hàng tiềm năng đáng kể cho kinh tế số.

Theo báo cáo, việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, các ngành, và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất. Theo đó, IMF đưa ra khuyến nghị về các ưu tiên cải cách như tăng cường hạ tầng số của quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ, đồng thời nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ số, kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.

Ngoài ra, cần phải khắc phục những hạn chế về nguồn vốn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt để giúp họ áp dụng công nghệ mới. Việc gia tăng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà phát minh giới thiệu sản phẩm mới của họ.

  • Các quy định quản lý của nhà nước cũng cần phải được đơn giản hóa để tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới với ngành công nghệ số đang phát triển, cải thiện môi trường pháp lý (trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) và tạo thuận lợi cho thương mại số.

Châu Á đã sẵn sàng để tiếp tục dẫn đầu hoạt động đổi mới sáng tạo số. Việc tạo thuận lợi cho các ngành, doanh nghiệp, người lao động được tiếp cận bình đẳng với công nghệ sẽ giúp châu lục này gặt hái đầy đủ những lợi ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà công nghệ số đem lại.


(0) Bình luận
Châu Á dẫn đầu thế giới về lượng robot công nghiệp lắt đặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO