Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo Asian Economics Quarterly, trong đó nhấn mạnh xuất khẩu tăng mang lại cú hích mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời lạm phát và tỷ giá dịu đi sẽ nâng đỡ khu vực Châu Á trong năm nay.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến tăng trưởng hơn nữa với lạm phát theo chiều hướng thuận lợi hơn. HSBC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%.
Báo cáo của HSBC cho rằng, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục vững vàng hơn qua thời gian trong năm nay. Tăng trưởng GDP được cải thiện và mang lại bất ngờ trong quý 2/2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi trong lĩnh vực bên ngoài tiếp tục lan rộng ra ngoài mảng điện tử tiêu dùng, mặc dù tác động trung chuyển nhằm trợ lực cho “mặt trận” trong nước vẫn phải cần thêm thời gian trả lời.
“Chúng tôi tin rằng những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra. Tựu trung lại, chúng tôi vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%”, báo cáo nhận định.
Kinh tế Singapore, Brunei, Malaysia phục hồi
Ba nước có GDP đầu người cao nhất ASEAN năm 2023 là Singapore, Brunei và Malaysia cũng có các dự báo tăng trưởng cho năm nay. Đa số mang ý nghĩa tích cực, cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng triển vọng nhu cầu cải thiện đối với hàng hóa điện tử và dịch vụ tài chính đã nâng cao triển vọng kinh tế của Singapore trong năm 2024.
Ngân hàng này cho biết Singapore sẽ đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 2,6% vào năm 2024, tăng so với mức 1,1% vào năm 2023 và tốt hơn so với dự báo hồi tháng 4 là 2,4%. Trong khi đó, lạm phát dự kiến sẽ giảm trong năm nay và năm sau, tờ Straits Times (Singapore) dẫn nguồn báo cáo của ngân hàng cho biết.
Việc ADB nâng dự báo được đưa ra một tháng sau khi Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore thu hẹp ước tính tăng trưởng GDP năm 2024 xuống còn khoảng từ 2% đến 3%, tăng so với dự báo trước đó là từ 1% đến 3%.
Xuất khẩu trong nước phi dầu mỏ của Singapore đã tăng 10,7% so với cùng kỳ tháng 8 năm ngoái, chủ yếu nhờ vào mức tăng 35,1% trong các lô hàng điện tử.
Tại Brunei, website của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sự phục hồi được dự đoán sẽ tiếp tục và rủi ro đối với triển vọng “nhìn chung là cân bằng”.
Tăng trưởng của Brunei được dự báo ở mức khoảng 2,4% trong năm 2024 nhờ vào sự gia tăng dự kiến trong sản lượng các mỏ dầu ngoài khơi mới và sự phục hồi trong lĩnh vực hạ nguồn, trong khi tăng trưởng của khu vực phi dầu và gas (O&G) trong nước được dự kiến sẽ đạt đỉnh.
Lạm phát dự kiến sẽ không đổi ở mức 0,5% vào năm 2024 và cán cân tài khóa và bên ngoài sẽ ổn định cùng với giá O&G. Rủi ro trong ngắn hạn có xu hướng giảm do các yếu tố bên ngoài và thách thức trong sản xuất O&G.
Các khám phá về mỏ O&G mới sẽ mang lại tiềm năng tăng trưởng đáng kể, đồng thời tính đến áp lực khử cacbon. Việc thực hiện cải cách cơ cấu, với sự đa dạng hóa sản phẩm và tiến bộ công nghệ, có thể thúc đẩy năng suất, nhưng những thách thức về kinh tế và xã hội sẽ vẫn tồn tại khi áp dụng trí tuệ nhân tạo.
Hãng tin Bernama (Malaysia) dẫn dự báo tăng trưởng từ Ngân hàng Đầu tư Hong Leong (HLIB) cho biết dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia ở mức 5,0% vào năm 2024.
Ngân hàng cho biết dự báo này được hỗ trợ bởi thị trường lao động lành mạnh hơn và các chính sách trong nước dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, CIMB Research vẫn duy trì dự báo GDP ở mức 5,2% trong năm cho Malaysia, được thúc đẩy bởi kỳ vọng về sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài do chu kỳ tăng công nghệ toàn cầu.
Dự báo này cũng phản ánh chi tiêu trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư mạnh mẽ và chi tiêu tiêu dùng kiên cường trong nửa cuối năm 2024.
Theo thống kê của IMF, GDP đầu người năm 2023 của Singapore là 133.759 USD, Brunei 75.583 USD, Malaysia 37.083 USD. Việt Nam là 14.284 USD, sau 5 nước Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.