Nội dung chính:
- Áp lực nợ xấu sẽ khiến kết quả kinh doanh của ngân hàng kém khả quan trong năm 2023.
- Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán thời gian tới.
- Dự báo nửa đầu năm 2023 ngành bán lẻ sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, chỉ có 3 doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp nhưng đa phần đều nhằm mục đích tái cơ cấu nợ.
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng vừa công bố danh sách 54 doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu đến hạn. Nhiều doanh nghiệp trong số này đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hải Phát, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Nam Land, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Hưng Thịnh Incons, Bất động sản Hà An, Apec Land Huế, Đất xanh Miền Nam, Sunny World, Gotec Land…
Động thái này đồng thời tạo áp lực nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Phân tích mới nhất của FIDT cho rằng việc Novaland thông báo chậm thanh toán lãi, gốc hai lô trái phiếu đến hạn trị giá gần 1.100 tỷ đồng khiến tổng dư nợ của Novaland tại tất cả các ngân hàng có nguy cơ cao phải chuyển sang nợ nhóm 3 (nợ xấu). Qua đó, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có thể tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng
Nhiều ngân hàng đã chuẩn bị phương án đối phó với tình trạng này bằng cách đẩy mạnh trích lập dự phòng trong năm 2022. Điển hình như Ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank,... đang có khoản dự phòng rủi ro cho vay cao gấp nhiều lần nợ xấu.
Ông Long nhận định năm 2023 là câu chuyện về thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông Long, hiện nay, các ngân hàng chưa công bố kế hoạch lợi nhuận năm nay vì phải chờ kết quả báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 để đặt ra mục tiêu phù hợp. Kế hoạch này phụ thuộc nhiều vào vấn đề nợ xấu, chính sách hỗ trợ để cải thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Việc kiểm toán báo cáo tài chính ngân hàng rất phức tạp nên dự kiến báo cáo tài chính kiểm toán của các ngân hàng sẽ công bố vào cuối tháng 3 tới.
Ông Long cho rằng nhiều tổ chức phát hành trái phiếu đang gặp khó khăn về thanh khoản nên cần phải có các giải pháp trong ngắn hạn để khơi thông phần nào. Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý các giải pháp này có thể tác động tiêu cực vào thị trường tài chính.
“Điều tôi có thể thấy rõ đó là năm 2023 sẽ khó khăn với ngành ngân hàng” - ông Long cho biết.
Mục tiêu lợi nhuận năm 2023 là động lực phân hóa cổ phiếu
Trong tháng 3, các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022. Đây cũng là cơ sở để các công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã công bố tài liệu và thông báo ngày chốt quyền tham dự đại hội cổ đông sắp tới. Một trong những nội dung quan trọng được các doanh nghiệp đề cập trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông là kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2023. Điều này sẽ tác động nhất định đến các hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Phiên giao dịch đầu tuần trước, VN-Index tăng điểm mạnh nhờ sự phấn khích của nhà đầu tư sau khi Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát đi thông điệp từ các phía cơ quan chức năng trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thị trường theo hướng bền vững hơn.
Tuy nhiên, ngay sau đó là 4 phiên giảm điểm liên tiếp xóa sạch mức tăng được thiết lập trong phiên ngày 20/2. Đà giảm điểm tiếp tục kéo dài sang các phiên giao dịch đầu tuần này.
Trưa ngày 1/3/2023, chỉ số VN-Index đang giao dịch quanh mức 1.027 điểm.
Ông Long cho rằng các yếu tố kích thích thị trường chứng khoán như lãi suất, tỷ giá, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không còn tác động lớn ở thời điểm này.
Với tâm lý thị trường yếu, khối lượng và giá trị giao dịch thấp như hiện nay, động lực để cổ phiếu thay đổi và phân hóa trên sàn chứng khoán chính là kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp.
“Từ câu chuyện về kế hoạch và dự báo lợi nhuận năm 2023 của doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư mới có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất. Đặc biệt ở thời điểm này, đây chính là động lực chính để chúng ta nhìn vào sự phân hóa của các cổ phiếu niêm yết trên sàn.” - ông Long nói thêm.
Gần đây, Tập đoàn Hòa Phát đã đặt mục tiêu lợi nhuận 8.000 tỷ đồng trong năm 2023, thấp hơn mức thực hiện năm 2022. Ông Long nhận định kế hoạch của Hòa Phát khá thận trọng, phản ánh đúng văn hóa và chiến lược của doanh nghiệp trong nhiều năm gần đây.
Ngành bán lẻ tiếp tục khó khăn
Đầu năm 2022, nhiều nhà quản lý quỹ từng nhận định bán lẻ là ngành triển vọng vì sau Covid-19 buôn bán phục hồi. “Nhưng thực tế không phải như vậy, bán lẻ tiêu dùng phụ thuộc lớn vào tăng trưởng GDP và thu nhập của dân cư” - ông Long cho biết.
Ông Long dự báo nửa đầu năm 2023 ngành bán lẻ sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực. Vì vậy, mục tiêu lợi nhuận sẽ là thách thức với các doanh nghiệp bán lẻ.
Các doanh nghiệp bán lẻ lớn đặt kế hoạch tăng trưởng so với năm 2022 thường đi kèm điều kiện kinh tế và tiêu dùng phục hồi trong quý III và quý IV/2023.
“Việc đặt kế hoạch lợi nhuận tích cực có thể khiến các công ty phải thực hiện các dự án phiêu lưu hơn. Trong giai đoạn này, việc thực hiện dự án, kế hoạch mở rộng một cách phiêu lưu để định vị mình là cổ phiếu tăng trưởng có thể trở thành mối nguy hại với mô hình kinh doanh của công ty.” - ông Long nói thêm.
Theo ông Long, chi tiêu chính phủ, cụ thể là đầu tư công, sẽ là động lực cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này vì dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân đã eo hẹp hơn so với giai đoạn 2020 - 2021.
Ông Long cũng chia sẻ: “Chúng ta cần phải hiểu được kế hoạch đặt ra là như vậy nhưng thực hiện đến đâu. Từ trước đến nay, chúng ta thực hiện được 70 - 75% tổng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đã là một con số khủng khiếp. Chưa tính đến chuyện chúng ta cần phải có giải pháp tháo gỡ về mặt chính sách để đầu tư công có thể giải ngân tốt hơn. Từ đó, tạo ra vòng quay tiền cho các doanh nghiệp.”
Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Kế hoạch & dự báo lợi nhuận doanh nghiệp năm 2023. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.