Mục tiêu lợi nhuận chỉ 115 tỷ đồng, thấp hơn năm 2023
Bước sang năm 2024, Cảng Quy Nhơn đặt mục tiêu sản lượng hàng hóa thông qua đạt 11,5 triệu tấn, hàng container đạt 180.000 Teus. Doanh thu hợp nhất đặt mục tiêu đạt 1.274 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 115 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, năm 2024, Cảng Quy Nhơn đã trình phương án đầu tư hệ thống cầu nâng - băng tải sớm đưa vào sử dụng trong năm 2024 để đa dạng hoá phương thức xếp dỡ, tăng năng suất xếp dỡ giải phóng tàu.
Cụ thể, sẽ tổ chức quản lý, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư các phương tiện, thiết bị, xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng, cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, chất lượng dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ bảo quản hàng hóa, tiến độ giải phóng tàu, an toàn trong sản xuất... nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Cùng đó, tối ưu hóa quy trình xếp dỡ hàng container, hàng dăm gỗ theo quy trình chuẩn của VIMC nhằm tăng năng suất xếp dỡ/giảm chi phí, làm cơ sở xây dựng bộ giá thành dịch vụ cảng realtime của VIMC.
Cảng cũng sẽ rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dịch vụ, điều chỉnh giá một số dịch vụ không đem lại hiệu quả cao, năng suất thấp hoặc dịch vụ, mặt hàng không ưu tiên phát triển. Đồng thời, đánh giá lại quy mô thị trường và nguồn hàng khu vực Tây Nguyên. Từ đó, xác định đối tượng khách hàng cần tập trung.
Ngoài ra, Cảng sẽ gặp gỡ các hãng tàu có nhu cầu, khả năng kết nối tuyến Quy Nhơn – Đông Bắc Á, cam kết sản lượng, slot trong từng giai đoạn và thuyết phục hãng tàu cung cấp giá vận tải biển hợp lý nhất để chủ hàng quyết định xuất hàng qua Cảng Quy Nhơn.
Bên cạnh những định hướng trong phát triển khách hàng, Cảng Quy Nhơn cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm nguồn hàng như hàng phân bón, hàng viên nén, hàng nguyên liệu TAGS, hàng nông sản, container, hàng dăm gỗ Trung Quốc...
Doanh nghiệp cũng định hướng tiếp tục nghiên cứu, rà soát cơ cấu tổ chức và các quy trình của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác và phù hợp với mô hình công ty đại chúng niêm yết. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh và trong hoạt động quản trị doanh nghiệp.
Cảng Quy Nhơn phải trả hơn 53,4 tỷ đồng cho Công ty Cửu Long
Sau hơn 3 tháng không xem xét được thủ tục Giám đốc thẩm và đề nghị hoãn thi hành án (THA), Cục THADS tỉnh Bình Định ra quyết định (QĐ) buộc Cảng Quy Nhơn trả hơn 53,4 tỷ đồng cho Công ty Cửu Long.
Cục THADS tỉnh Bình Định ngày 12/4/2023 ra QĐ số 02/QĐ-C THADS về việc phong tỏa tài khoản, tài sản của Công ty CP Cảng Quy Nhơn (02 Phan Chu Trinh, P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) – thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); lý do, cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản, tài sản ở nơi gửi, giữ.
Cụ thể, phong tỏa 30 tỷ đồng trong tài khoản số 21300027... tại Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) chi nhánh Bình Định; 15 tỷ đồng trong tài khoản số 21300027... tại Vietinbank chi nhánh Bình Định; hơn 8,48 tỷ đồng trong tài khoản số 2190002... tại Vietinbank chi nhánh Bình Định.
Vietinbank chi nhánh Bình Định, người phải THA (Công ty Cảng Quy Nhơn) và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm thi hành QĐ này (từ ngày ký 12/4/2023).
Theo bản án phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16-12-2022 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng: Công ty Cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (47 Cửu Long, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) ngày 12-10-2016 ký hợp đồng (HĐ) kinh tế số 274/CUULONG/2016/01.02 về thuê tàu lai khai thác ở Cảng Quy Nhơn trong 10 năm.
Từ ngày 1/7/2017, Cảng Quy Nhơn không thực hiện theo HĐ và pháp luật hàng hải nên xảy ra tranh chấp. Ngày 1-1-2019, Cảng Quy Nhơn đơn phương chấm dứt HĐ, không cho Cửu Long hoạt động lai dắt tại cảng; ra văn bản (VB) yêu cầu đội tàu lai của Cửu Long ra khỏi cảng và chuyển toàn bộ dịch vụ Cửu Long đang làm sang cho Công ty TNHH TMVT Phúc Trường Linh.
Cửu Long kiện, yêu cầu Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện HĐ và thanh toán nợ, bồi thường gần 70 tỷ đồng. TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên: buộc Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện HĐ; trả cho Cửu Long hơn 53,48 tỷ đồng gồm: phí dịch vụ hơn 24,43 tỷ đồng; bồi thường thiệt hại năm 2019 và 2020 hơn 24,65 tỷ đồng; trả lãi hơn 4,39 tỷ đồng.
Đến ngày 30/12/2022, Cục THADS tỉnh Bình Định ra QĐ THA số 105/QĐ-CTHADS. Ngày 4-1-2023, Cục THADS gửi Thông báo: hết thời hạn tự nguyện THA (ngày 9-1-2023), Cảng Quy Nhơn không thực hiện các nghĩa vụ THA thì bị cưỡng chế THA.
Sáng 10/1/2023, các bên họp tại Cục THADS để tiến hành cưỡng chế thì xuất hiện văn bản số 01/YC-VKS-KDTM (bản sao chứng thực) ngày 9-1-2023 của Viện KSND tối cao yêu cầu Cục THADS tỉnh Bình Định hoãn THA bản án 31/2022/KDTM-PT.
Sau 3 tháng không xem xét được thủ tục Giám đốc thẩm (như đơn đề nghị xem xét Giám đốc thẩm và đề nghị hoãn THA của Cảng Quy Nhơn gửi Viện KSND tối cao), ngày 10/4/2023, Cục THADS tỉnh Bình Định ra QĐ số 14/QĐ-CTHADS về việc tiếp tục THA.
Cụ thể, Cảng Quy Nhơn tiếp tục thi hành QĐ THA số 105/QĐ-CTHADS ngày 30/12/2022, buộc trả cho Cửu Long hơn 53,4 tỷ đồng (trả 1 lần khi bản án có hiệu lực); tiếp tục thực hiện HĐ kinh tế số 274/CUULONG/2016/01.02 về thuê tàu lai khai thác ở Cảng Quy Nhơn trong 10 năm.
Ngày 13/4/2023, ông Lê Hồng Quân - Tổng Giám đốc Công ty Cảng Quy Nhơn ký VB công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban chứng khoán nhà nước, nội dung công bố QĐ số 02/QĐ-CTHADS ngày 12/4/2023 của Cục THADS tỉnh Bình Định về việc phong tỏa tài khoản, tài sản.
Thông tin này đã được công bố trên trang điện tử của Cảng Quy Nhơn ngày 13-4-2023 tại địa chỉ website: http://quynhonport.vn / mục “Quan hệ cổ đông”.