Na Chi Lăng, cây làm giàu cho bà con vùng biên ải

Mai Linh | 10:07 13/11/2023

Sở dĩ nói na là cây làm giàu cho bà con nơi đây, bởi dù địa hình hiểm trở nhưng bà con huyện Chi Lăng đã khắc phục mọi khó khăn để trồng cây na và chính na đã làm “hồi sinh” mảnh đất cằn sỏi đá.

Na Chi Lăng, cây làm giàu cho bà con vùng biên ải
Na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận bảo hộ đăng ký nhãn hiệu.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Chi Lăng (Lạng Sơn) trước đây là một huyện nghèo, núi đá và đất canh tác cằn khô đã cản trở việc tăng gia sản xuất của bà con. Thế nhưng cách đây hơn 30 năm, người dân Chi Lăng đã thử nghiệm trồng na trên núi đá, nhưng thật bất ngờ một thời gian sau, một màu xanh của na đã phủ kín vùng núi đá bạc màu, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Quả không sai khi cha ông ta thường nói “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Đến Chi Lăng vào mùa na chính vụ gần kết thúc, được tham gia hái na cùng bà con trên núi đá đây là một trải nghiệm khá thú vị.

screen-shot-2023-11-10-at-23.18.09.png
Ông Vi Văn Kỳ (Chi Lăng, Lạng Sơn) trồng na cho thu nhập ổn định.

Ngay từ sáng sớm, ông Vi Văn Kỳ (Chi Lăng, Lạng Sơn) tất bật lên núi hái na để mang xuống chợ bán. Ông Kỳ cho biết, chăm na trên núi đá khác với chăm na ở dưới đồng bằng hay thung lũng, vì phải trèo lên các mỏm đá, vách đá trơn, hiểm trở. Hơn nữa, ở núi đá không có nước, công việc tưới nước cho na thường chỉ chờ trời mưa chứ không thể vận chuyển lên núi được. Nên những trái na ở đây được ví như “lộc trời” ban cho.

Để na được ra quả đúng mùa cũng như cho chất lượng tốt, ông Kỳ chia sẻ, quy trình này cũng rất công phu và vất vả. Đầu tiên tháng Giêng phải tỉa cành, tháng 3 bón và thụ phấn, khi na ra hoa đậu quả bắt đầu tỉa cành tăm, tỉa bớt quả méo mó. Vất vả là thế, nhưng nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, khi trái na chín cho hương vị rất đặc biệt của vùng núi đá vôi đó là thơm, ngon, ngọt hơn các vùng miền khác. Bởi ở đây người dân không dùng thuốc hoá học bón cây, không phun thuốc hoá học lên lá, lên quả. Hơn nữa, na trên vùng núi đá cao được hưởng không khí trong lành, mát mẻ mà thiên nhiên ban tặng.

Khác với trồng na ở dưới thung lũng hay đồng bằng năm làm 2 vụ, ở đây một năm người nông dân chỉ làm na được 1 vụ trên núi đá do không có nước. Thế nên, vụ chính là vào tháng 7-8 hàng năm. 

Bước sang năm thứ 30 gắn bó với cây na, ông Kỳ và bà con huyện Chi Lăng đã tích luỹ được nhiều kiến thức chăm sóc cây na cũng như kỹ thuật thu hoạch trái na. Chẳng thế mà thu hoạch na cũng lắm công phu, để làm sao khi hái và xếp quả na vào thúng mang đi bán, trái na vẫn còn nguyên vẹn phấn, không bị xước, thâm hay dập nát.

Và khi những giọt mồ hôi rơi xuống tảng đá cũng là lúc quả na đơm hoa kết trái. Những quả na to đều, vị ngọt thơm đậm, có màu trắng kem, ăn rất ngon miệng, có hương vị đặc trưng riêng của vùng na Chi Lăng.

screen-shot-2023-11-10-at-23.21.03.png
Việc vận chuyển na từ núi xuống bằng tời rất thuận tiện cho bà con.

Nói về việc vận chuyển na từ núi xuống chân núi, nếu như trước kia người nông dân rất vất vả gánh từng sọt na xuống núi, nay những chiếc tời vận chuyển na từ núi đá về tiết kiệm sức lực cho bà con, mà lại vận chuyển nhanh hơn nhưng vẫn không ảnh hưởng đến trái na.

Ông Kỳ phấn khởi nói: “Từ ngày có chiếc tời, đã giúp sức cho bà con nông dân chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi đỡ mất sức hơn, vận chuyển nhanh hơn, vận chuyển nhiều hơn và bảo đảm chất lượng tốt hơn”.

Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng, na Chi Lăng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay, huyện chú trọng phát triển na theo hướng xanh sạch. Theo đó, toàn huyện có 35ha đạt tiêu chuẩn Globalgap và 698,2ha theo tiêu chuẩn Vietgap.

Trồng na trên núi đá cao, vừa giúp bà con thu nhập tốt hơn, vừa quảng bá hình ảnh bà con xứ Lạng. Vào vụ mùa, mỗi 1kg có giá trung bình từ 30.000-35.000 đồng, Hiện nay diện tích na trên toàn huyện Chi Lăng là 2.300 ha, cho sản lượng 20.000 tấn quả 1 năm. Có những vụ na được mùa được giá, loại na quả to còn lên đến 70.000 – 80.000 đồng/kg.

Ông Vi Văn Tuấn, Phó phòng Nông nghiệp huyện Chi Lăng chia sẻ, trồng na cho hiệu quả kinh tế cao, trung bình 1ha cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng. “Chúng tôi đã chỉ đạo bà con canh tác theo tiêu chuẩn Vietgap, qua đó góp phần tạo niềm tin tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến sản phẩm na Chi Lăng”, ông Tuấn nói.

Na Chi Lăng giờ đây nổi tiếng khắp cả nước, na được mùa được giá, không chỉ giúp bà con xoá đói giảm nghèo mà còn giúp người dân nơi đây ăn nên làm ra. Điều đặc biệt, để na vươn xa, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cũng như UBND huyện Chi Lăng đã tích cực tham gia xúc tiến thương mại đó là các hội chợ cả trong tỉnh, ngoài tỉnh, hội chợ thương mại Việt – Trung.

Trước đó, hồi tháng 8/2022, tại hội chợ kết nối tiêu thụ na, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn được tổ chức tại Hà Nội, bà con Chi Lăng đã bán được hàng trăm tấn na, ngoài ra huyện còn ký kết với các đối tác trong nước để mở rộng địa bàn cung cấp thứ quả đặc sản này.

Trong những năm qua na là mặt hàng chủ lực cây ăn trái của huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung, tổng giá trị sản xuất na năm 2023 đạt 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận bảo hộ đăng ký nhãn hiệu, được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản na Chi Lăng, vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam; được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Na Chi Lăng, cây làm giàu cho bà con vùng biên ải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO