Chiều 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách mới sẽ áp thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa của các nước từ ngày 5/4, đồng thời áp thuế đối ứng với 60 nước kể từ ngày 9/4. Trong đó, Việt Nam ở mức 46%, thuộc nhóm các nước có mức thuế cao.
Ngày 7/4, Tổng thống Trump khẳng định sẽ không lùi bước trong việc áp thuế quan toàn diện với hàng nhập khẩu từ hầu hết các nước trên thế giới, trừ khi các nước cân bằng thương mại với Mỹ. Điều này cũng cho thấy quyết tâm của chính quyền Mỹ trong việc thực hiện áp thuế đối ứng mới với nhiều quốc gia trên thế giới
Với Việt Nam, chính sách thuế mới của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến 5 nhóm ngành chính đang chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2024, bao gồm điện tử, dệt may, da giầy, gỗ và sản phẩm từ gỗ, nông - thủy - hải sản, thép và nhôm. Không ít chuyên gia cho rằng việc Mỹ công bố chính sách thuế mới cũng là cơ hội để cơ cấu lại các ngành hàng, cải thiện năng lực sản xuất và thích ứng của doanh nghiệp Việt, rộng hơn là của cả nền kinh tế trước những thay đổi nhanh của tình hình thế giới.
Tại tọa đàm "Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ" do báo Tiền phong tổ chức ngày 8/4, các chuyên gia đã đưa ra góp ý cho rằng Việt Nam cần phải thay đổi 4 trụ cột.
DN cần phải thay đổi 4 trụ cột gì?

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hãy lắng nghe tiếng nói của thị trường. "Chúng ta cần biết họ nghĩ gì, chúng ta không bơi lội ở ao hồ và đi vào biển lớn đầy sóng gió. Nhiều ý kiến nhận định về Việt Nam, chúng ta đừng bỏ qua tiếng nói của thị trường. Từ đó, chúng ta mới phát triển được mọi thứ đem Việt Nam vào sân chơi quốc tế, là sân chơi nhiều biến động trong 4 năm tới, thậm chí 8 năm tới", ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Trong bối cảnh thuế quan từ Mỹ căng thẳng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh rằng, đầu tiên chúng ta phải thích nghi và sau đó dẫn dắt sự thay đổi. Việt Nam hiện là một trong hơn 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do vậy, trong bối cảnh bây giờ, chúng ta phải ứng xử như một nước lớn.

"Với các doanh nghiệp, tôi đề nghị có 4 trụ cột cần thay đổi. Thứ nhất, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng. Thứ hai, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại. Thứ ba, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao (phát triển mẫu mã, thương hiệu, nội địa hóa chuỗi giá trị). Thứ tư, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới", chuyên gia Nguyễn Quang Huy cho biết.
Theo ông, mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần có vốn chủ đủ mạnh và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhằm có thể thành công trong quá trình chuyển đổi.
Việt Nam cần phải bình tĩnh

Theo TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc, mức thuế suất 46% rất cao. Đây là mức thuế không tưởng trong bất kỳ kịch bản ứng phó nào với mức thuế quan của Mỹ kể từ khi ông Trump đắc cử. Hơn nữa, thời gian gấp, chúng ta không có thời gian để chuẩn bị.
"Ông Trump thường nói gì sẽ làm cái đấy, chiến thuật của ông Trump thường làm rất nhanh, thường chỉ trong khoảng 6 tháng", ông Phạm Sỹ Thành cho biết.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam trải qua những lần thương chiến và lần này cần phải bình tĩnh. Chúng ta phải nhìn lại mô hình xuất khẩu, dựa vào FDI; trong khi chúng ta phải đánh đổi nhiều lợi ích. Về dài hạn, Việt Nam cần thay đổi tăng trưởng và xuất khẩu cần xem xét. Trong bối cảnh các bất ổn thị trường xuất khẩu vẫn còn dài hạn, Việt Nam cần xây dựng các ngành xuất khẩu bền vững trong tương lai. Bởi vì, trong 10 năm tới, những va chạm như vậy vẫn tiếp tục xảy ra, Mỹ - Trung Quốc vẫn sẽ giành nhau vị trí số 1.