Mỹ "ngư ông đắc lợi" khi Nga bị cấm vận: Nhu cầu năng lượng cấp bách từ châu Âu giúp doanh nghiệp Mỹ thoát phá sản, thu lợi lớn

Hữu Hiển | 14:38 17/01/2023

Tân Hoa Xã ngày 15/1 đưa tin, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã kéo dài được gần một năm. Mỹ đã thúc giục các đồng minh châu Âu của mình áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm trọng đối với Nga, thậm chí là cấm vận năng lượng nhằm bóp nghẹt huyết mạch kinh tế của Nga, điều này đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu.

Mỹ "ngư ông đắc lợi" khi Nga bị cấm vận: Nhu cầu năng lượng cấp bách từ châu Âu giúp doanh nghiệp Mỹ thoát phá sản, thu lợi lớn

Giới quan sát quốc tế cho rằng, các nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, nên đã gặp phải cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do bị Nga cắt nguồn cung. Trong khi đó, các công ty năng lượng của Mỹ đã nhân cơ hội này bán một lượng lớn dầu và khí đốt với giá cao cho châu Âu và kiếm được rất nhiều tiền.

screenshot-2023-01-17-103435.jpg

Đường ống dẫn khí Nord Stream vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến châu Âu đã phát nổ và tất cả các bên đều tin rằng đường ống này đã bị "phá hoại". Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Mỹ là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của châu Âu

Theo số liệu mới nhất từ ​​hãng nghiên cứu thị trường Kepler, trong bối cảnh khủng hoảng leo thang tại Ukraine, các đường ống vận chuyển khí tự nhiên từ Nga đến châu Âu bị hạn chế, nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Liên minh châu Âu (EU) tăng cao.

Năm 2022, nhập khẩu LNG của EU đạt mức cao nhất mọi thời đại là 94,73 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 57,27 triệu tấn vào năm 2021. Trong số đó, nhập khẩu LNG từ Mỹ chiếm 41% tổng lượng nhập khẩu năm ngoái của EU, đạt 38,86 triệu tấn, tăng 23,59 triệu tấn so với năm 2021, tương đương với mức tăng 154%.

Trên thực tế, đã có dấu hiệu cho thấy Mỹ đang theo dõi chặt chẽ nhu cầu khí đốt của châu Âu. Vào tháng 3/2022, Mỹ đã chủ động khuyến khích các đồng minh châu Âu hạn chế nhập khẩu dầu khí của Nga, đồng thời hứa hẹn sẽ tăng xuất khẩu LNG sang EU ít nhất 15 tỷ m3 trong năm ngoái.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022, với kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với nửa cuối năm 2021, chủ yếu do nhu cầu tăng cao tại châu Âu.

screenshot-2023-01-17-103455.jpg

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Tân Hoa Xã

Matt Smith - một nhà phân tích tại Kepler - dự đoán rằng, xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, do châu Âu sẽ bổ sung lượng dự trữ khí đốt đã cạn kiệt vào mùa đông, điều đó cũng có nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của châu Âu.

Mỹ bán dầu với giá “trên trời” cho châu Âu

Từ góc độ dầu mỏ, lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với ngành năng lượng Nga đã khiến xuất khẩu dầu thô của Nga giảm mạnh, nhu cầu về dầu thô thay thế trên thị trường quốc tế tăng lên đáng kể.

Rohit Ratod - nhà phân tích thị trường tại công ty nghiên cứu năng lượng Wotexa Consulting - chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine đã kéo theo nhiều nhu cầu mới về năng lượng Mỹ.

Nguồn cung cấp dầu khí từ Mỹ giúp tạm thời giảm bớt nhu cầu cấp bách của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, nhưng giá LNG do Mỹ vận chuyển đến châu Âu bằng đường biển lại đắt hơn so với khí đốt tự nhiên dẫn qua đường ống của Nga, và giá càng tăng mạnh dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine. Bởi vậy, châu Âu đã phải trả giá cao hơn cho năng lượng thay thế, phần lớn chảy vào túi Mỹ, giúp ngành dầu khí Mỹ tháo gỡ khó khăn, tăng thu nhập đáng kể.

screenshot-2023-01-17-103515.jpg

Tòa nhà trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, doanh thu xuất khẩu LNG của Mỹ từ tháng 1 đến tháng 9/2022 đã tăng vọt lên 35 tỷ USD, so với 8,3 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2021.

Trong cùng thời gian, Chesapeake Energy - một công ty dầu khí đá phiến của Mỹ - đã kiếm được 1,3 tỷ USD lợi nhuận. Đầu năm 2020, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, doanh thu của công ty này gần như là bằng 0 và từng nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Còn cổ phiếu của gã khổng lồ năng lượng Mỹ Chevron đã tăng 50,5% trong năm ngoái, trái ngược hoàn toàn với mức giảm trung bình 20% của S&P 500 (chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa thị trường của 500 công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Mỹ) trong cùng kỳ.

Việc Mỹ tận dụng cơ hội để bán năng lượng với giá cao cho các nước châu Âu đã làm dấy lên nhiều chỉ trích. Sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai cáo buộc Mỹ bán dầu với giá thấp trong nước nhưng lại bán dầu với giá “trên trời” ở châu Âu, cho rằng Mỹ đã thu được lợi nhuận vượt mức từ cuộc xung đột địa chính trị, bán khí đốt sang châu Âu với giá cao hơn 3 đến 4 lần so với tại thị trường Mỹ.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habeck cũng ám chỉ Mỹ lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để "kiếm chác".

screenshot-2023-01-17-103534.jpg

Ngày 26/10/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hội kiến tại Điện Elysee, Paris, Pháp. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo Tân Hoa Xã, cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là một trong những cơ hội để Mỹ bán năng lượng ra toàn cầu. Trong một thời gian dài, Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã nhất trí sử dụng xuất khẩu năng lượng như một con bài mặc cả trong chính sách đối ngoại.

Ngay từ tháng 2/2020, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ khi đó là Dan Brouillette đã phát biểu tại một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức rằng, sau khi Mỹ chuyển đổi thành nhà xuất khẩu năng lượng ròng, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ trải qua những thay đổi mang tính cách mạng, "chúng ta có thể theo đuổi những mục tiêu trước đây không thể đạt được mà không sợ hãi".


(0) Bình luận
Mỹ "ngư ông đắc lợi" khi Nga bị cấm vận: Nhu cầu năng lượng cấp bách từ châu Âu giúp doanh nghiệp Mỹ thoát phá sản, thu lợi lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO