Mỹ, châu Âu 'tố' nhau trục lợi khổng lồ từ khủng hoảng năng lượng - thực tế thế nào?

Khánh Vy | 10:50 09/11/2022

Mỹ cho rằng các công ty năng lượng châu Âu đã mua khí đốt từ Mỹ với giá thấp rồi bán lại trong khu vực với giá cao. Châu Âu cũng không chịu thua khi chỉ trích Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép để tạo ra "siêu lợi nhuận" cho các nhà sản xuất năng lượng.

Mỹ, châu Âu 'tố' nhau trục lợi khổng lồ từ khủng hoảng năng lượng - thực tế thế nào?
Ảnh minh họa

Chính phủ Mỹ cho biết, các tập đoàn năng lượng châu Âu là những người chiến thắng thực sự trong các cuộc giao dịch thương mại LNG xuyên Đại Tây Dương, đồng thời đẩy lùi các chỉ trích từ châu Âu cho rằng các nhà sản xuất dầu khí ở Mỹ đang trục lợi trong bối cảnh châu Âu chạy đua tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga.

Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép khi giữ giá bán khí đốt trong nước ở mức thấp nhưng lại bán nhiên liệu này sang châu Âu với mức giá cao kỷ lục. Ông cho rằng tiêu chuẩn kép này đã tạo “siêu lợi nhuận” không đáng có cho các nhà sản xuất năng lượng ở Mỹ và Na Uy. Đây vốn là hai nước đã đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu kể từ khi xung đột Nga- Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.

Ông nói rằng Mỹ không nên chi phối thị trường năng lượng toàn cầu khi EU phải gánh chịu hậu quả từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Brad Crabtree, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ, lại nói rằng chính các công ty năng lượng ở châu Âu mới là bên được hưởng lợi từ chênh lệch giá khí đốt giữa Mỹ và châu Âu, chứ không phải các nhà sản xuất của Mỹ.

“Điều đang xảy ra là có nhiều công ty nắm giữ các hợp đồng mua dài hạn với các nhà sản xuất LNG của Mỹ và họ đang tăng giá bán lại để kiếm được lợi nhuận ở thị trường châu Âu. Đó không phải là công ty LNG của Mỹ mà phần lớn là các công ty năng lượng và thương nhân dầu mỏ quốc tế có trụ sở chính ở châu Âu”, ông nói với FT.

Các tập đoàn năng lượng và các công ty kinh doanh hàng hóa lớn nhất của châu Âu, bao gồm BP, Shell, Glencore và Vitol, đều có các hợp đồng mua dài hạn với các nhà sản xuất LNG của Mỹ.

screenshot-182-.png
Các đại gia xăng dầu thế giới thu lợi nhuận khủng chưa từng có, trong khi người tiêu dùng phải chịu giá cao.

BP báo cáo lợi nhuận quý 3 đạt 8,2 tỉ USD vào tuần trước và ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến đến từ mảng kinh doanh khí đốt. Shell, nhà kinh doanh LNG lớn nhất thế giới, đạt lợi nhuận hơn 30 USD trong chín tháng đầu năm, phá vỡ kỷ lục lợi nhuận hàng năm 31 tỉ USD được thiết lập vào năm 2008.

Giá LNG giao ngay tại châu Âu đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây, xuống còn khoảng 25 USD/mmBtu sau khi đạt mức cao kỷ lục hơn 70 USD/mmBtu trong mùa hè vừa qua. Ở phía bên kia, giá LNG ở thị trường nội địa của Mỹ chỉ dao động từ 5-10 USD/mmBtu kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine.

Cuộc đua tranh giành nguồn cung khí đốt của châu Âu đã làm ảnh hưởng đến thương mại LNG toàn cầu, với việc Mỹ và các nhà xuất khẩu lớn khác chuyển hướng các chuyến hàng LNG sang châu lục này. Vào tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được một thỏa thuận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhằm tăng cường các chuyến hàng LNG của Mỹ đến châu Âu.

Cheniere Energy, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, cho biết khoảng 70% các chuyến hàng LNG từ các cơ sở sản xuất của công ty ở bang Texas và bang Louisiana đã đến châu Âu, so với khoảng 30% vào năm ngoái.

Bộ trưởng Brad Crabtree nhấn mạnh Mỹ hoàn toàn cam kết đáp ứng nhu cầu khí đốt của châu Âu với “mức giá bán phù hợp”.

Ông nói: “Vì vậy, điều mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là cuộc thảo luận ở châu Âu đang được trình bày như thể chúng tôi có quyền kiểm soát đối với lợi nhuận thu được từ sự chênh lệch giá LNG dù thực tế không phải như vậy”.

Hiện nay, Mỹ đang cạnh tranh với Qatar vị trí nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới và có kế hoạch tăng đáng kể nguồn cung LNG trong thập kỷ tới.

Tham khảo: FT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mỹ, châu Âu 'tố' nhau trục lợi khổng lồ từ khủng hoảng năng lượng - thực tế thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO