MWG đặt mục tiêu lãi ròng tối thiểu 4.200 tỷ đồng, ngưng mở mới An Khang, "dọn dẹp" chuỗi Bluetronics và AvaSprort trong năm 2023

Phương Linh | 11:32 17/02/2023

Chia sẻ thêm, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG cho biết “2023 là năm không thật sự khả quan, nhất là trong 2 quý đầu năm. Tuy vậy, MWG vẫn đặt kỳ vọng hai chuỗi TGDĐ và ĐMX sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số".

MWG đặt mục tiêu lãi ròng tối thiểu 4.200 tỷ đồng, ngưng mở mới An Khang, "dọn dẹp" chuỗi Bluetronics và AvaSprort trong năm 2023

Trong tài liệu mới công bố, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) nhận định tình hình vĩ mô năm 2023 không thuận lợi, sức cầu yếu, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi nhanh chóng.

Xây dựng kế hoạch cụ thể, MWG dự kiến đạt doanh thu thuần từ 135.000 đến 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng từ 4.200 đến 4.700 tỷ đồng trong năm 2023. Trước đó trong năm 2022, MWG ghi nhận doanh thu đạt 134.722 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 4.100 tỷ đồng, giảm 16% năm trước.

Như vậy, trong kịch bản tích cực nhất, đại gia bán lẻ Việt Nam kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận ròng tăng trưởng lần lượt 12% và 15% so với năm 2022.

Theo MWG, kế hoạch này dựa trên giả định hoạt động sản xuất - tiêu dùng sẽ tích cực hơn, có dấu hiệu hồi phục trở lại trong kịch bản tốt nhất là từ giữa quý 3/2023 và trong kịch bản cơ sở từ quý 4/2023. Doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung kiểm soát chi phí chặt chẽ, bao gồm kiểm soát tuyển dụng, điều chỉnh giờ công nhân viên; kiểm soát chi phí thuê và cân nhắc khả năng di dời mặt bằng nếu tiết kiệm được chi phí đáng kể; ứng dụng công nghệ và kiểm soát tồn kho hiệu quả, giảm chi phí tài chính.

Cụ thể, trong năm 2023, MWG dự kiến chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) tiếp tục là trụ cột mang lại dòng tiền chính cho công ty, đóng góp 75%-80% doanh thu. Để duy trì doanh thu, hai chuỗi cửa hàng trên sẽ tập trung tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng, tối ưu danh mục hàng hóa kinh doanh, đẩy mạnh doanh số những sản phẩm còn tiềm năng tăng trưởng.

Tuy nhiên, MWG cũng ước tính biên lợi nhuận gộp của các chuỗi có thể thấp hơn giai đoạn 2021-2022 do sức mua yếu và công ty triển khai chương trình khuyến mãi.

Chia sẻ thêm, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG cho biết “2023 là năm không thật sự khả quan, nhất là trong 2 quý đầu năm. Tuy vậy, MWG vẫn đặt kỳ vọng hai chuỗi này sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, miếng bánh của thị trường không nở ra thêm, do đó để tăng trưởng, MWG chỉ có thể đi lấy thị phần của bên khác”.

Theo ông Hiểu Em, hiện tình hình tồn kho ở các hãng đang khá cao, vì tiêu thụ trong quý 4 và mùa Tết không đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng. Thậm chí sau Tết, nhu cầu của thị trường cũng không sáng sủa hơn. Tình hình tồn kho của MWG vẫn đang khá tốt ở mức 45.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện tại, khả năng các hãng sẽ phải mạnh tay xả hàng và điều này có thể tác động tới MWG. “Có thể chúng tôi phải theo thị trường để giữ doanh thu và sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp của MWG trong ngắn hạn”, vị lãnh đạo MWG chia sẻ.

Trong khi đó, chuỗi Bách hóa Xanh (BHX) dự kiến đóng góp 20-25% doanh thu cho MWG. Đáng chú ý, MWG sẽ thay đổi cách thức vận hành kho vận để đảm bảo chất lượng hàng hóa, giảm hao hụt, hủy hàng tươi sống, cải thiện hiệu suất logistics và tạo dư địa tăng biên lợi nhuận gộp. BHX được kỳ vọng sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận trong quý 4/2023.

Đối với các chuỗi mới như An Khang và AVAKids, dù là thị trường lớn nhưng hiện các chuỗi này chưa có lợi nhuận. Do đó, MWG sẽ tạm ngưng mở rộng và tập trung giữ những cửa hàng có biên lợi nhuận dương.

Đáng chú ý, công ty cũng sẽ chủ động dọn dẹp, thu hẹp chuỗi AVASport và Bluetronics do đánh giá không có tiềm năng đóng góp doanh thu/lợi nhuận đáng kể trong tương lại để giảm gánh nặng cho MWC trong năm 2023. Trong đó, MWG quyết định đóng cửa chuỗi Bluetronics tại Campuchia và dự kiến đến quý 1/2023 sẽ hoàn tất, đồng thời sẽ dồn nguồn lực sang chuỗi điện máy Era Blue ở Indonesia.

Lợi nhuận giảm quý thứ 5 liên tiếp, thấp nhất kể từ quý 3/2018

Thông tin trên được công bố sau khi MWG vừa có quý thứ 5 liên tiếp ghi nhận lãi ròng “đi lùi”. Con số trong quý 4/2022 chỉ 619 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với lãi quý 4 năm trước. Đây cũng là quý MWG ghi nhận lợi nhuận thấp nhất kể từ quý 3/2018 (thấp hơn nhiều so với giai đoạn cao điểm đại dịch).

Những thay đổi bất ngờ tác động mạnh đến kế hoạch kinh doanh của MWG nói chung và nhiều đơn vị nói riêng. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 10, Chủ tịch là ông Nguyễn Đức Tài nhận định: “Đây là năm rất lạ lùng! Khó khăn nếu “xui” có thể kéo dài đến quý 3/2023".

Thực tế, những tháng đầu năm 2022, với dự báo nhu cầu sẽ hồi phục hậu Covid-19, MWG lên kế hoạch nhằm đón đầu thị trường (liên tục công bố mở chuỗi TopZone đến 5 thương hiệu bán lẻ là AVA phục vụ trọn bộ nhu cầu người tiêu dùng). Tuy nhiên, kể từ quý 2/2022, sự suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất tăng, thị trường trong nước siết chặt tín dụng… gây áp lực khiến MWG bên cạnh việc đẩy mạnh kinh doanh phải cơ cấu vốn và các khoản nợ.

Trong đó, nếu hoạt động tài chính doanh nghiệp (vay vốn giá thấp và cho vay lại hưởng chênh lệch lãi suất) từng đóng góp hàng ngàn tỷ lợi nhuận cho MWG mỗi năm, thì hiện đang “ăn mòn” lợi nhuận Công ty. MWG cũng cho thấy động thái tái cấu trúc, giảm dư nợ vay đáng kể.

Bài liên quan

(0) Bình luận
MWG đặt mục tiêu lãi ròng tối thiểu 4.200 tỷ đồng, ngưng mở mới An Khang, "dọn dẹp" chuỗi Bluetronics và AvaSprort trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO