“Cơ chế pháp lý, vốn” – điểm nút thị trường bất động sản

PV (TH) | 11:25 17/02/2023

Những khó khăn về pháp lý, vốn đã được Bộ Xây dựng và doanh nghiệp bất động sản phản ánh và đề xuất với Chính phủ tại Hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

“Cơ chế pháp lý, vốn” – điểm nút thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng đã nêu những nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. (Ảnh: VGP)

Vướng mắc kép

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến về tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trình bày về tình hình thị trường bất động sản và những khó khăn của thị trường.

Theo đó, năm 2022, nguồn cung bất động sản, nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung - cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu.

Các dự án được cấp phép giảm mạnh so với năm 2021, đơn cử như năm 2022 cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép (số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021). Không chỉ nhà ở thương mại giảm mạnh, ngay cả nhà ở xã hội cũng giảm mạnh nguồn cung.

screen-shot-2023-02-17-at-11.11.58-am.png
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Ảnh: VGP

Lượng giao dịch thành công trong các quý trong năm 2022 không ổn định, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền thành công tăng cao nhất vào quý II sau đó giảm và thấp nhất vào quý IV.

Bên cạnh đó, giá bất động sản nhà ở, đất nền năm 2022 liên tục tăng trong quý I và quý II; quý III chững lại; quý IV có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều.

Đại diện Bộ Xây dựng đã nêu nguyên nhân dẫn đến một số vướng mắc về thủ tục pháp lý. Đó là khó khăn vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất… đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án).

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Sinh còn đề cập đến những khó khăn về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh rất khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu. Thậm chí lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2022 tăng.

screen-shot-2023-02-17-at-11.10.09-am.png
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes. Ảnh: VGP

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes phản ánh, thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được… Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước…

“Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có những giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu lại còn thiếu hơn”, ông Hoa nói.

Ưu tiên vị trí đẹp cho sản xuất kinh doanh

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã đề xuất một số giải pháp trong đó tập trung hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)...

Đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội". Thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Đặc biệt, đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

screen-shot-2023-02-17-at-11.10.25-am.png
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova. Ảnh: VGP

Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại Hội nghị, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt, ông Nhơn mong muốn được hỗ trợ về cơ chế.

Theo đó, Novaland kiến nghị: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Ông Nhơn cho biết, Novaland đang còn 25 ngàn tỷ đồng bị phong toả tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải toả khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, Novaland đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đề xuất kiến nghị sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại diện Vinhomes đề xuất Chính phủ, các bộ ngành cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, nhà nước, doanh nghiệp. "Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm, sát sao của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và phát triển", ông Hoa nói.

Sau khi nghe 2 doanh nghiệp đại diện Vinhomes và Novaland phát biểu, Thủ tướng một lần nữa đề nghị các đại biểu tập trung phân tích thêm về nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, dẫn tới những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay, các chủ thể liên quan (như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng) có trách nhiệm gì, từ đó đề xuất các giải pháp, các chủ thể phải làm gì thời gian tới.

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhắc lại thông điệp đã được ông phát biểu nhiều lần: Để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm. Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân, có công ăn việc làm thì mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, có người mua nhà thì mới phát triển được bất động sản, khu đô thị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Cơ chế pháp lý, vốn” – điểm nút thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO