Andrew Chow bắt đầu mày mò, giấu bố mẹ tìm hiểu Bitcoin từ thời trung học. Trước khi có một tài khoản ngân hàng riêng, lập trình viên tuổi teen này đã lập một trang web mang tên “Tôi sẽ làm việc vì Bitcoin”, sau đó công khai địa chỉ ví điện tử để nhận tiền tip.
Bảy năm sau, Chow trở thành một trong số ít lập trình viên có thể viết code xây nền tảng cho loại tiền số trị giá gần 500 tỷ USD. Vai trò của họ rất quan trọng đối với Bitcoin, song không phải ai cũng biết điều đó.
Được biết đến với tư cách là người duy trì nền tảng, anh Chow và 4 lập trình viên khác quản lý Bitcoin Core - một chương trình nguồn mở giúp sổ cái luôn được cập nhật trên hàng nghìn máy tính. Được biết “thủ lĩnh” lâu năm vừa rời đi vào thứ Năm, nên quy mô nhóm giảm từ 6 xuống còn 5 người.
Kể từ đầu năm ngoái, màn “bốc hơi” 2 nghìn tỷ USD vốn hóa khiến một loạt các nền tảng giao dịch tiền số, quỹ quản lý tài sản và tín dụng sụp đổ. Dẫu vậy, sau khi trải qua thời kỳ hỗn loạn và mất ⅔ giá trị kể từ năm 2021, Bitcoin vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng của giới tiền số. Đây là loại tiền số lâu đời và được nắm giữ rộng rãi nhất trong suốt nhiều năm tích lũy và tăng trưởng.
Giá trị hiện tại của Bitcoin và tiềm năng của nó một phần nằm trong tay những người duy trì Bitcoin Core. Ít nhất một lần, họ đã âm thầm “vá” những lỗ hổng mà dân chơi Bitcoin cho là có thể phá hủy giá trị tiền số.
Được hỗ trợ bởi một cộng đồng các nhà phát triển rộng lớn, nhóm lập trình bảo trì phải đảm bảo phần mềm tương thích với các phiên bản mới nhất của hệ điều hành như Windows hoặc MacOS, đồng thời theo kịp khối lượng giao dịch.
Jameson Lopp, một chuyên gia về Bitcoin cho biết phần mềm cần được chăm sóc và bảo trì nhiều hơn mọi người tưởng. Vai trò nhóm lập trình viên Chow theo đó vô cùng quan trọng. “Nền tảng ngày càng dễ dàng bị tấn công. Vì vậy, tất cả công nghệ phải có con người đứng đằng sau và duy trì”, ông Lopp nói.
Thông thường, trong một công ty công nghệ, các nhà phát triển phần mềm và bộ phận quản lý sẽ có nhiệm vụ đánh giá hiệu suất. Nếu đồng tiền đó được giao dịch công khai, phía nhà đầu tư sẽ nhận được toàn bộ những thông tin tài chính tiêu chuẩn.
Điều này được tiết lộ trong sách trắng và kho lưu trữ mã Byzantine trên GitHub - trang web thuộc sở hữu của Microsoft, nơi lưu trữ Bitcoin Core. Mỗi tuần, nhóm lập trình viên duy trì và phát triển phần mềm sẽ cùng họp thảo luận về các vấn đề có độ ưu tiên cao cũng như tình hình nhân sự hiện tại.
Do là mã nguồn mở, bất kỳ ai có tài khoản GitHub đều có thể đề xuất các thay đổi đối với Bitcoin Core. Nhóm lập trình viên duy trì sẽ có quyền phê duyệt thay đổi và chuyển chúng vào kho lưu trữ GitHub. Tại đây, các thay đổi sẽ có hiệu lực sau khi người dùng tải xuống các bản cập nhật phần mềm được phát hành sáu tháng một lần hoặc lâu hơn.
“Bạn làm việc cho Bitcoin ư? Đáng sợ quá, bạn phải làm việc dựa trên tiền của mọi người”, một người xem livestream đã bình luận như vậy khi Chow phát trực tiếp công việc viết code trên Twitch.
“Đúng là nó có thể rất đáng sợ, song sẽ dễ dàng hơn theo thời gian, nhất là sau khi bạn biết rõ những gì nguy hiểm nên tránh”, Chow đáp.
Tuy nhiên, theo một số nhà phát triển, tính phổ biến của Bitcoin Core đang mâu thuẫn với mục tiêu của tiền số là duy trì tính phi tập trung hoặc không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức, chính phủ nào.
Trong khi các “thợ đào coin” được nhận thưởng nếu chăm chỉ, các nhà phát triển và lập trình duy trì phần mềm lại không được hưởng cơ chế đó. Họ sẽ chỉ được nhận tiền tài trợ từ các công ty tiền số hoặc giới đầu tư giàu có hào phóng muốn cho đi.
“Tài trợ xuất hiện rất nhiều. Không biết liệu có một phương thức kiểm soát vô hình nào hay không”, Samuel Dobson , một cựu nhân viên bảo trì cho biết.
Theo WSJ, tài trợ 1 năm cho nhóm duy trì Bitcoin dao động trong khoảng từ 100.000 đến 150.000 USD. Để so sánh, Google liệt kê mức lương khoảng 225.000 USD, đã bao gồm lương, tiền thưởng, phúc lợi và cổ phiếu trong thông tin tuyển dụng các kỹ sư cấp trung.
Ngoài việc tạo ra các thay đổi, trang web của Bitcoin Core cho biết nhóm lập trình duy trì “hoạt động như một bước kiểm tra cuối cùng để đảm bảo rằng mọi thứ an toàn và phù hợp với mục tiêu của dự án”. Theo ông Dobson, các nhà phát triển Bitcoin Core bị ràng buộc bởi danh tiếng. Bất kỳ ai tạo ra những thay đổi độc hại hoặc phi đạo đức đều sẽ tổn hại uy tín nghiêm trọng, đồng thời bị tịch thu quyền truy cập.
Sự sụp đổ mới đây của thị trường tiền số khiến một số công ty trước đây từng tài trợ cho việc phát triển phần mềm Bitcoin, chẳng hạn như nền tảng giao dịch FTX và công ty cho vay BlockFi, phải thắt lưng buộc bụng. Giám đốc điều hành Brink, Mike Schmidt, cho biết Brink - một tổ chức phi lợi nhuận nhận quyên góp tài trợ cho Bitcoin Core và một số nhà phát triển khác đã chứng kiến số tiền gây quỹ giảm từ 50% đến 60% trong năm qua.
Theo WSJ, mạng lưới lập trình bảo trì nằm rải rác trên khắp thế giới và thường sẽ gặp mặt trực tiếp một hoặc hai lần mỗi năm tại các hội nghị Bitcoin. Hennadii Stepanov, Michael Ford và Gloria Zhao là 3 lập trình viên được nhận tài trợ từ Brink. Họ làm việc cùng nhau tại văn phòng đặt ở London.
Quay trở lại với nhóm lập trình viên của Chow. Chow tốt nghiệp Đại học Maryland, giám sát chương trình liên quan ví kỹ thuật số cho phép các nhà đầu tư lưu trữ Bitcoin. Sau đó, anh chuyển tới làm việc cho Blockstream Corporation - một công ty cơ sở hạ tầng tài chính.
Marco Falke cũng là thành viên của nhóm, chuyên tập trung thử nghiệm và thường xuyên được tài trợ bởi Okcoin USA - một sàn giao dịch tiền số.
Jason Lau, Giám đốc điều hành của Okcoin cho biết: “Chúng tôi không coi đây đơn thuần chỉ là sự hào phóng. Đó là khoản đầu tư đáng giá vào nền tảng kinh doanh của chúng tôi”.
Thành viên “lão làng” nhất của nhóm, Wladimir van der Laan, từng là người đóng vai trò cốt cán vào năm 2014. Anh được tài trợ bởi Sáng kiến Tiền tệ số của Viện Công nghệ Massachusetts - nơi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Gary Gensler làm cố vấn. Tuy nhiên, hồi tháng 8, van der Laan cho biết sẽ ngừng hoàn toàn công việc bảo trì.
“Tôi đang bị kiệt sức và có vấn đề về sức khỏe. Tôi không thể làm việc đó được nữa”, van der Laan nói, sau đó bị tước quyền truy cập vào kho lưu trữ GitHub của Bitcoin Core.
Một số nhà phát triển Bitcoin Core nhận được tài trợ từ Block - công ty thanh toán kỹ thuật số do người đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey đứng đầu. Jack Dorsey cũng thành lập một quỹ bảo vệ pháp lý vào đầu năm 2022 nhằm giúp các nhà phát triển chống lại các vụ kiện tụng.
Trước đó, nhà phát triển Bitcoin lâu năm Matt Corallo đã phát hiện ra một thứ gọi là “lỗi lạm phát” trong Bitcoin Core. Vài ngày sau, nhóm lập trình bảo trì đã đưa ra mô tả công khai về sự cố. Samson Mow, một doanh nhân trong giới tiền số cho biết “lỗi lạm phát” này “có thể đã giết chết Bitcoin”.
“Thật tốt khi có một nhóm nhỏ những người đáng tin cậy này”, Michael Folkson, một người ủng hộ Bitcoin, nói.
Kể từ khi Bitcoin ra mắt vào năm 2009, 17 người đã được cấp quyền truy cập thay đổi mã code, theo thống kê của Chow. Trên trang web của mình, Bitcoin Core cũng tự mô tả mình là “hậu duệ phần mềm Bitcoin gốc” do “cha đẻ” Nakamoto tạo ra.
Theo: WSJ