Áp lực chính trị đang giá tăng trong Liên minh châu Âu liên quan đến việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga.
EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động nhập khẩu dầu và than bằng đường biển từ Nga. Các quốc gia ở khu vực này cũng cắt giảm đáng kể việc mua khí đốt qua đường ống từ Nga, mặc dù không áp đặt lệnh trừng phạt với loại nhiên liệu này.
Nhưng đồng thời, các nước EU lại tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga, khiến cam kết chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027 bị đặt trong nghi ngờ.
Các nhà phân tích tại CapraView, một công ty dự báo về khí đốt toàn cầu, ước tính gần một nửa lượng LNG Nga xuất khẩu trong 10 tháng đầu tiên sau xung đột Nga – Ukraine đã chảy sang châu Âu, mang lại doanh thu khoảng 14 tỷ USD.
Các nhà phân tích EU cho hay nhập khẩu LNG từ Nga đã tăng lên 22 tỷ mét khối (bcm) vào năm ngoái, so với mức 16 bcm năm 2021. Tất nhiên, số lượng này vẫn nhỏ hơn nhiều so với 155 tỷ mét khối khí mà EU từng nhận mỗi năm qua đường ống từ Moscow.
Phân tích của Kpler cho thấy Bỉ và Tây Ban Nha đã tăng gần gấp đôi lượng nhập khẩu LNG của Nga trong 12 tháng kể từ khi xung đột nổ ra.
Cao ủy Năng lượng EU Kadri Simson tháng trước đã kêu gọi các thành viên và công ty thuộc EU ngừng mua LNG của Nga, gọi đó là “rủi ro về uy tín” khi họ tăng nhập khẩu LNG trong khi nỗ lực cắt giảm doanh thu của Nga.
Cũng trong tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera đã yêu cầu các công ty của nước này không ký hợp đồng mua mới LNG của Nga nhưng bà cũng nói rằng trừ khi các biện pháp trừng phạt được chính thức đưa ra, các công ty EU ngừng mua LNG của Nga có thể phải trả tiền phạt vì phá vỡ hợp đồng.
Tuần trước, các quốc gia thành viên đã đề xuất một lựa chọn pháp lý cho phép các quốc gia ngăn Nga đặt cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển LNG đến châu Âu. Tuy nhiên, luật của Tổ chức Thương mại Thế giới chỉ cho phép các quốc gia cấm một sản phẩm cụ thể khỏi thị trường trong một số trường hợp nhất định.
“Klaus-Dieter Borchardt, cố vấn năng lượng cấp cao tại công ty luật Baker McKenzie nói: “tôi nghi ngờ liệu 1 quy tắc như vậy có tương thích với các quy tắc không phân biệt của WTO hay không”.
Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten nói với Reuters rằng có một khó khăn thực tế là một số quốc gia không thể đa dạng hóa nguồn cung đủ nhanh để đối phó với việc ngừng nhập khẩu ngay lập tức. Hà Lan đã dừng nhập khẩu khí đốt của Nga qua đường ống nhưng không ngừng nhập khẩu LNG.
Việc ngừng nhập khẩu LNG của Nga sẽ là con dao hai lưỡi, theo các nhà phân tích.
Nó có thể đẩy giá khí đốt ở châu Âu tăng lên mà không chắc làm giảm doanh thu xuất khẩu của Nga bởi LNG có thể dễ dàng được chuyển hướng sang các thị trường châu Á, theo nhà phân tích Tamir Druz của CapraView.
Việc thực thi lệnh cấm cũng là thách thức bởi rất khó để biết xem lô hàng LNG từ quốc gia khác có chứa LNG của Nga hay không, đặc biệt nếu họ chuyển LNG từ tàu này sang tàu khác.
Với thị trường LNG đang khan hiếm nguồn cung, các nhà phân tích cho hay châu Âu có thể gặp khó trong việc thay thế LNG của Nga. “Đôi khi một biện pháp trừng phạt lại làm hại chính bạn nhiều hơn là bên mà bạn muốn trừng phạt”, Anne-Sophie Corbeau – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia nhận định.