Đó là thành lập công ty mới mang tên VinEnergo.
Mới đây, ngày 11/4, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, vừa có động thái chiến lược mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đó là công bố góp hơn 35 triệu cổ phiếu VIC có trị giá hơn 1.400 tỷ đồng (được tính bằng mức giá cổ phiếu VIC giao dịch bình quân 50 phiên liên tiếp tính đến ngày 21/2) để thành lập CTCP Năng lượng VinEnergo.
Ông Phạm Nhật Vượng cùng hai con trai thành lập công ty mới về năng lượng

CTCP Năng lượng VinEnergo có vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng. Với số cổ phiếu trên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ nắm giữ 71% vốn của VinEnergo. Như vậy, Chủ tịch Vingroup sẽ hạ sở hữu ở Vingroup từ 17,82% vốn xuống còn 16,92% vốn. Ở chiều ngược lại, VinEnergo mới thành lập sẽ sở hữu 35 triệu cổ phiếu VIC mà ông Phạm Nhật Vượng chuyển giao, từ đó nắm giữ 0,9% vốn của Vingroup.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên tỷ phú Phạm Nhật Vượng dùng cổ phiếu VIC đang sở hữu để thành lập công ty mới. Trước đó, vị tỷ phú này đã sử dụng 243 triệu cổ phiếu VIC góp vốn vào CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI và 50,7 triệu cổ phiếu để góp vốn vào CTCP Di chuyển xanh và thông minh GSM.
VinEngergo chính thức được thành lập vào ngày 12/3. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện và các thiết bị điện. Ngoài tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hai con trai của ông và Vingroup là cổ đông của công ty này. Trong đó, hai con trai của tỷ phú là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người sở hữu 5% vốn, số còn lại do Tập đoàn Vingroup nắm giữ.
Vingroup muốn chi hàng chục tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo

Việc thành lập VinEngergo được coi như một trong những quyết tâm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vingroup trong việc muốn đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm ở Việt Nam hiện nay. Đó là năng lượng tái tạo.
Trước đó, vào cuối tháng 3 vừa qua, trong công văn gửi Thủ tướng và Chính phủ, Vingroup đề xuất thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, với tổng quy mô công suất 47.500 MW giai đoạn từ năm 2025 - 2035. Cụ thể, các dự án điện tái tạo trên dự kiến được triển khai ở 7 địa phương của nước ta, đó là Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng và Khánh Hòa. Riêng tổng công suất đến 2030 là 20.500 MW, với mức đầu tư 20 - 25 tỷ USD. Các dự án năng lượng tái tạo này bao gồm nhà máy điện mặt trời (với 13.900 MW) và điện gió (6.600 MW).
Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho rằng, các dự án đề xuất đã được nghiên cứu dựa trên chỉ đạo của cơ quản lý. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng nghiên cứu trên những tiêu chí khác như địa phương còn tiềm năng về quỹ đất, khả năng đấu nối và gần trung tâm phụ tải lớn để có thể xây dựng các dự án công suất lớn, trở thành các trung tâm năng lượng quốc gia (với trên 5.000 MW). Hơn nữa, các địa phương đặt dự án thực tế là nơi có tiềm năng về gió, bức xạ tốt, vị trí để tối ưu về thời gian phát triển dự án, cũng như hiệu suất sản xuất điện và hiệu quả tài chính.
Mới đây, chiều 11/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã chủ trì Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, đại diện EVN, PVN đã báo cáo tiến độ triển khai 8 dự án trọng điểm quốc gia, bao gồm: Đường dây 500KV Lào Cai-Vĩnh Yên; dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 và các dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các nhà máy; các dự án trong Trung tâm điện lực Quảng Trạch; dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng; dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng; dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; chuỗi dự án khí-điện Lô B-Ô Môn; chuỗi dự án khí-điện Cá Voi Xanh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong tuần này sẽ ban hành Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII... Với Quy hoạch này cần triển khai rất kịp thời, cụ thể. Tám dự án trọng điểm này đã có trong Quy hoạch điện VIII, nên cần triển khai một cách rốt ráo, đúng tiến độ, để làm gương cho các dự án sẽ điều chỉnh trong thời gian tới".
Phó Thủ tướng cho rằng, nếu các dự án trọng điểm không hoàn thành đúng tiến độ thì các dự án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII tới đây sẽ khó đạt được yêu cầu trong điều chỉnh Quy hoạch.