Jason Basulto là một du khách người Mỹ 27 tuổi mong muốn đến thăm một trong những khu ổ chuột cuối cùng còn sót lại ở Seoul: làng Guryong. Anh rất tò mò về khía cạnh không mấy sáng sủa của Seoul và muốn nhìn tận mắt những ngôi nhà nửa tầng hầm giống như trong bộ phim “Ký sinh trùng”.
"Những khu ổ chuột đô thị không chỉ xuất hiện ở Hàn Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác, bởi khoảng cách giàu nghèo là một vấn đề toàn cầu. Nhưng khung cảnh của làng Guryong ở giữa những tòa nhà cao tầng thật ấn tượng," anh nói.
Anh cũng nghĩ rằng đối với những người quan tâm đến các vấn đề xã hội, ngôi làng có thể là một nơi thú vị để ghé thăm.
Trên YouTube, có một số video đã đưa người xem tham gia một chuyến tham quan ảo đến ngôi làng, nơi những dãy lều rách nát đứng đối lập với những khu chung cư cao tầng lấp lánh ngay bên kia đường. Một video đã mô tả ngôi làng là “một thực tế đáng buồn bên trong thành phố tiên tiến nhất thế giới.”
Trong khi đó, một video khác của Youtuber người nước ngoài đã cố gắng phỏng vấn cư dân sống ở làng Guryong và hỏi họ những câu như “Ở đây có nước và điện không?” Các phần bình luận tràn ngập những câu cảm thán đầy ngạc nhiên của người xem trước sự tồn tại của một địa điểm như vậy ở quận Gangnam sang trọng.
‘Làng trăng’
Nằm dưới chân Guryongsan, một ngọn đồi ở Gaepo-dong của Gangnam, làng Guryong là một trong những khu ổ chuột cuối cùng còn sót lại ở Seoul. Ngôi làng như thế này được gọi là “làng trăng” vì nằm trên sườn núi. Những ngôi làng trăng bắt đầu được hình thành trong quá trình phát triển đột phá của Seoul vào những năm 70 và 80.
Vào thời điểm đó, người nghèo bị đẩy ra khỏi trung tâm thành phố để nhường chỗ cho các tòa nhà văn phòng cao tầng và chung cư. Vì vậy, cư dân của Guryong chủ yếu là những người bị đuổi khỏi những ngôi nhà bất hợp pháp ở khu vực Gangnam trước khi xảy ra một đợt bùng nổ xây dựng khổng lồ, biến khu vực này thành khu vực phồn thịnh tương đương với Beverly Hills của Seoul.
Vào thời kỳ đỉnh cao, ngôi làng có diện tích khoảng 320.000m2 và có hơn 1.100 hộ gia đình. Hiện giờ, khoảng 600 người vẫn đang sống ở đó, với 454 hộ gia đình đã rời đi vào năm ngoái.
Sau khi giá bất động sản ở Gangnam bùng nổ, Guryong đã thu hút nhiều sự chú ý khi là một trong những khu đất cuối cùng còn sót lại để xây dựng nhà mới. Nhưng bất kỳ kế hoạch nào để phát triển Guryong đều dường như rất khó khăn, chủ yếu là do tranh chấp về bồi thường cho chủ đất và dân làng.
Vào tháng 6 năm ngoái, chính quyền thành phố đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 2.838 ngôi nhà mới của một nhà phát triển nhà ở do thành phố điều hành. Khoảng 1.107 ngôi nhà trong số đó sẽ được phân bổ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Công ty Seoul Housing & Communities Corp thỏa thuận sẽ cung cấp nhà cho thuê công cộng cho những người cần phải rời đi nhưng dân làng đã từ chối. Họ yêu cầu mỗi người phải được cấp một căn hộ trong khu chung cư mới sẽ được xây dựng ở đó, trong khi mỗi căn hộ có thể sẽ có giá trị hàng triệu USD.
Căn hộ ba phòng ngủ tại Raemian Blestige - khu chung cư nằm đối diện với Làng Guryong - được giao dịch lần cuối với giá 3,1 tỷ won (2,2 triệu USD) vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, ngay cả khi chính phủ có thể đàm phán mua bán với chủ đất và di dời cư dân thành công, hầu hết mọi người đều nghĩ họ sẽ dành phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời mình ở Guryong. Có vẻ họ đã nghe quá nhiều lời hứa suông.
“Hàng chục chính trị gia đã đến đây và thề sẽ phát triển nơi này trong vài thập kỷ qua. Nhưng bạn cứ nhìn xung quanh xem, không có gì thay đổi cả. Chúng tôi giống như những kẻ vô hình, không có tiếng nói và dễ bị lãng quên vậy,” Song Sook-ja, một cư dân 62 tuổi ở Guryong cho biết.
Bỗng nhiên thu hút khách du lịch theo cách “chẳng giống ai”
Khu ổ chuột Gangnam đột nhiên thu hút sự chú ý theo cách rất mới mẻ trong bối cảnh đang có cơn sốt toàn cầu đối với phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc thường có yếu tố phê bình xã hội, miêu tả Hàn Quốc là một xã hội có sự phân cực kinh tế sâu sắc, bất công và các vấn đề khác.
Như câu chuyện đen tối trong phim “Trò chơi con mực” của Netflix đã gây chấn động cả thế giới. Phim kể về 456 người Hàn Quốc tuyệt vọng đánh cược mạng sống của mình để có cơ hội giành được vận may đổi đời. Ẩn sau đó là một lời chỉ trích về sự bất bình đẳng và cạnh tranh tàn bạo ở Hàn Quốc ngày nay.
Hay như phim đoạt giải Oscar là “Ký sinh trùng” không chỉ đưa điện ảnh Hàn Quốc trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu. Nó cũng thu hút sự chú ý của giới truyền thông về vấn đề nghèo đói và sự phân chia giữa những người dường như có tất cả và những người chẳng có gì trong tay.
Cùng với những ngôi nhà bán tầng hầm “banjiha”, làng Guryong bằng cách nào đó đã trở thành biểu tượng cho sự phân chia giàu nghèo của Hàn Quốc, nơi ta có thể thấy những thứ tưởng chừng như chỉ có trên phim.
"Tôi muốn giới thiệu địa điểm bị lãng quên này để mọi người nghĩ sâu hơn đôi chút về thế giới vì nó có cả người giàu và người nghèo ở khắp mọi nơi. Tôi hy vọng tất cả các bạn sẽ thích và nghĩ về những chi tiết sâu sắc hơn một chút về Hàn Quốc," một YouTuber cho biết trong video giới thiệu về làng Guryong.
Một số dân làng bày tỏ sự khó chịu khi cuộc sống của họ bị chú ý.
"Ngôi làng này không phải là một điểm du lịch hay phim trường. Đó là nơi sinh sống của chúng tôi. Sinh kế của chúng tôi không nên bị sử dụng để thu hút sự chú ý của mọi người", một cư dân giấu tên cho biết trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo địa phương.
Nguồn: Tổng hợp