Phát biểu tại một cuộc họp báo của Nghị viện châu Âu mới đây, Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson cho biết, Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu.
"Kể từ tháng 9/2022, khí đốt của Nga chỉ chiếm khoảng 8% tổng lượng khí đốt đường ống nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). Nhà cung cấp khí đốt số một cho châu Âu không còn là Nga. Đó là Na Uy", bà Kadri Simson cho biết.
Hãng tin Bloomberg chỉ ra, Na Uy kiếm được 50 tỷ USD riêng từ quyền sở hữu trực tiếp giấy phép mua bán dầu khí vào năm ngoái, gấp hơn 5 lần số tiền kiếm được trung bình trong một năm trước đây.
Giàu càng thêm giàu
Sự giàu có về dầu mỏ và khí đốt đang tăng vọt của Na Uy dự kiến sẽ đạt một tầm cao mới trong năm nay. Điều này được thúc đẩy bởi giá nhiên liệu hóa thạch cao hơn khi xung đột Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Lợi nhuận từ dầu mỏ tăng vọt của quốc gia ở bán đảo Scandinavi đã đặt Oslo vào một vị trí độc tôn: Trong khi nhiều người ở châu Âu đang phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong khu vực trong nhiều thập kỷ, thì Na Uy - vốn đã cực kỳ giàu có - lại càng giàu hơn.
CNBC cho biết, Na Uy đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi về "công bằng quốc tế" với nhiều câu hỏi liệu có công bằng hay không khi Na Uy kiếm được doanh thu kỷ lục từ dầu khí trong khi một số quốc gia khác phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Các nhà lập pháp đảng đối lập, các nhà kinh tế nổi tiếng trong nước và thậm chí cả những gã khổng lồ trong ngành năng lượng của Na Uy đã kêu gọi chính phủ "làm gương" cho thế giới bằng cách bơm doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch vào một quỹ đoàn kết quốc tế, giúp các quốc gia khác đạt được mục tiêu về khí hậu.
Bộ Tài chính Na Uy dự kiến doanh thu của nước này từ việc bán dầu sẽ tăng lên 131 tỷ USD trong năm nay. Con số này tăng so với kỷ lục trước đó là 109 tỷ USD vào năm ngoái và tăng gấp gần 5 lần so với năm 2021.
Lars-Henrik Paarup Michelsen, giám đốc tổ chức tư vấn của Quỹ Khí hậu Na Uy, nói với CNBC rằng, ông lo rằng bằng cách "bỏ túi" khoản lợi nhuận khổng lồ từ dầu khí, Na Uy đang làm tổn hại danh tiếng quốc tế của mình.
"Chúng tôi đang ở một hoàn cảnh hoàn toàn khác so với phần còn lại của châu Âu và tôi nghĩ, điều này đi cùng với trách nhiệm," ông Michelsen cho hay.
Ông cũng chỉ ra, chính phủ cần dùng lợi nhuận nước này thu được để tiếp tục giúp đỡ Ukraine, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Âu và hỗ trợ các nước có thu nhập thấp.
Giới chức Na Uy bác bỏ cáo buộc trục lợi. Họ coi giá năng lượng cao là kết quả không thể tránh khỏi khi thị trường khí đốt khan hiếm. Na Uy cũng khẳng định rằng ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga của EU, viện trợ quân sự cho Ukraine và nỗ lực để giúp các nước châu Âu có khí đốt.
Thứ trưởng Ngoại giao Na Uy Eivind Vad Petersson nói với CNBC: "Đây chắc chắn không phải tình huống chúng tôi tạo ra hay chúng tôi mong muốn."
Ông lập luận rằng, điều cực kỳ quan trọng đối với an ninh năng lượng của châu Âu là Na Uy phải duy trì sản lượng khí đốt ở mức cao.
Ông Pertersson cho biết, hỗ trợ tài chính của chính phủ cho Ukraine đang đạt gần 1,63 tỷ USD, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà hoạch định chính sách của nước này đang thực hiện một chương trình diễn ra trong nhiều năm để tiếp tục giúp đỡ Kiev.
EU hành động, Oslo tự tin vẫn kiếm lời
EU đã lên kế hoạch về một nền tảng mua chung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nhiều nhà cung cấp khác trên thế giới. Trước kế hoạch này, bộ trưởng Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy Terje Aasland cho biết hôm 10/3 rằng Oslo không lo lắng.
Oslo tự tin cho rằng hành động trên có thể mang lại lợi ích cho các công ty năng lượng của họ thông qua "những cuộc đàm phán trên cơ sở thương mại".
Các cuộc đàm phán tuần trước tại Oslo cũng thảo luận về vai trò của Na Uy với tư cách là nhà cung cấp đáng tin cậy, sau khi nước này thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất và đáng tin cậy của châu Âu.
EU đã sẵn sàng khởi động cuộc đấu thầu đầu tiên để cung cấp nguyên liệu thô vào tháng tới, sau một thời gian thảo luận về cách đảm bảo an ninh năng lượng mà không vô tình gây tăng giá bằng cách cạnh tranh với nhau.