Một "ông lớn" ngành xây dựng đề xuất làm cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4, tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng

Nhật Anh | 08:06 25/02/2025

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đề xuất TP.HCM cho phép doanh nghiệp thực hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT.

Một "ông lớn" ngành xây dựng đề xuất làm cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4, tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng

Trong văn bản gửi UBND TP.HCM mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã đề xuất TP cho phép doanh nghiệp thực hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo theo hình thức hợp đồng BT được quy định tại Luật số 57/2024/QH15 ban hành ngày 29/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Tập đoàn Trung Nam cho rằng, việc đầu tư cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM huy động nguồn lực tư nhân để phát triển các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và giảm áp lực cho ngân sách Thành phố khi không phải góp vốn nếu triển khai theo hình thức BT.

Cùng với đó, nhà đầu tư cam kết sẽ huy động nguồn lực tối ưu để triển khai 2 dự án hiệu quả, đảm bảo chất lượng và trình hồ sơ ngay khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương nhằm rút ngắn tiến độ.

Ngoài ra, Trung Nam Group cũng cho biết, doanh nghiệp có lợi thế khi trước đây Liên danh Trung Nam Group - CTCP Đô thị du lịch Cần Giờ đã từng nghiên cứu lập đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ và đã bàn giao hồ sơ nghiên cứu để Sở Giao thông vận tải hoàn thiện báo cáo, trình Hội đồng thẩm định TP.HCM ngày 1/12/2023.

Theo đó, Dự án cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ dài 7,3 km, rộng 6 làn xe, tổng mức đầu tư 11.087 tỷ đồng. Sở Giao thông vận tải đề xuất đầu tư theo hình thức PPP hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Vốn ngân sách TP.HCM tham gia 49,6%, (tương đương 5.246 tỷ đồng), còn lại 50,3% do nhà đầu tư huy động.

Còn Dự án Cầu Thủ Thiêm 4 nối Quận 7 và TP. Thủ Đức có tổng chiều dài hơn 2 km với 6 làn xe. Cây cầu này sẽ được xây dựng theo hướng mở với nhịp chính có thể mở ra giúp tàu thuyền dễ dàng qua lại.

Tổng mức đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 là 6.030 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP hợp đồng BOT, trong đó vốn ngân sách sẽ tham gia 2.826 tỷ đồng (tương đương gần 50% tổng mức đầu tư).

Được biết, dự án cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4 nằm trong bốn dự án mà Trung Nam Group từng đề xuất tham gia đấu thầu trước đó. Bốn dự án cụ thể là: cải tạo nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); mở rộng đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); Dự án cầu Thủ Thiêm 4; Dự án cầu Cần Giờ.

Trung Nam Trung Nam Group được thành lập vào 2004 là tập đoàn đa ngành mà trọng tâm là hai lĩnh vực năng lượng và bất động sản. Tập đoàn Trung Nam do hai doanh nhân ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) làm Tổng giám đốc.

7 dự án năng lượng tái tạo quy mô của Trung Nam có thể kể ra như: Nhà máy điện gió Ea Nam sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm; Trạm biến áp và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW; Nhà máy điện mặt trời Trung Nam; dự án Điện gió Trung Nam; Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh; Dự án Điện gió Đông Hải 1 - Trà Vinh và Nhà máy điện gió số 5.

Trong lĩnh vực bất động sản, Trung Nam cũng nắm trong tay một số dự án đáng chú ý như: Khu du lịch Bình Tiên (toạ lạc tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận); siêu dự án Golden Hills và Toà nhà DITP tại Đà Nẵng; dự án Golf Valley Đà Lạt.


(0) Bình luận
Một "ông lớn" ngành xây dựng đề xuất làm cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4, tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO