Một ngành của Việt Nam lần đầu vào Top 2 thế giới, cơ hội giành thị phần rất lớn ở Mỹ

Minh Hằng | 19:00 26/12/2024

Ngành này của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD trong năm 2024. Đây cũng là ngành được coi như “ngôi sao sáng” của nước ta trong bức tranh kinh tế.

Một ngành của Việt Nam lần đầu vào Top 2 thế giới, cơ hội giành thị phần rất lớn ở Mỹ

Vào sáng 25/12, tại cuộc gặp mặt báo chí, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thông tin, trong năm 2024, ngành Dệt May của nước ta dự kiến cán mốc xấp xỉ 44 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu, tăng gần 11% so với năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam có khả năng vượt Bangladesh (đứng vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu hàng dệt may).

Việt Nam đã vượt Ấn Độ về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may khi quốc gia này đạt gần 7%. Trong khi đó, Trung Quốc có tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 11 tháng qua là 273,4 tỷ USD, chỉ tăng 2%; còn đối thủ Bangladesh tăng trưởng xuất khẩu giảm và chỉ xuất được 27,7 tỷ USD.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, trong nửa cuối năm 2024, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đón nhận sự chuyển dịch đơn hàng lớn, nhất là đơn hàng từ Bangladesh sang Việt Nam. Lãnh đạo của Vinatex cho biết thêm, phần lớn các doanh nghiệp dệt may gần như đẩy đơn hàng suốt từ tháng 7 – 12. Thậm chí, đến nay, nhiều đơn vị đã có đơn hàng đến hết quý I/2025 và một số đã có đơn hàng đến hết tháng 5/2025.

tgd-vinatex.jpg

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ về kết quả kinh doanh của tập đoàn trong năm 2024 và định hướng năm 2025. Ảnh: TT

Kỳ vọng về thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ

Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, Vinatex nghiêng về dự báo tổng cầu dệt may của thế giới sẽ đạt 850 tỷ USD trong năm 2025 và kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể đạt từ 45,5 – 46 tỷ USD, tức là tăng 5 – 6% so với năm nay.

det-may.jpg
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2025 dự báo có thể đạt từ 45,5 - 46 tỷ USD. Ảnh minh họa

Về triển vọng thị trường và xuất khẩu của dệt may trong năm 2025, ông Hoàng Mạnh Cầm cho rằng, tín hiệu tăng trưởng tốt hơn khi thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU phục hồi kinh tế, đồng thời nhu cầu chi tiêu của người dân cũng cải thiện so với triển vọng cho ngành Dệt May tốt hơn. Vì vậy, dự báo xuất khẩu dệt may của nước nước ta trong nửa đầu năm tới sẽ tích cực.

Thế nhưng, theo các chuyên gia nhìn nhận, mặc dù biến động chính trị đang ảnh hưởng tới Bangladesh, nhưng quốc gia này phục hồi đơn hàng xuất khẩu nhanh. Bởi vì thực tế dệt may được coi là ngành có đóng góp ngoại tệ xuất khẩu lớn của Bangladesh.

Chính vì vậy, về dài hạn, trong năm 2025 sẽ không còn nhiều dư địa khai thác đơn hàng dịch chuyển từ quốc gia này. Hơn nữa, lãnh đạo Vinatex cho biết, dự báo về tình hình dệt may trong năm 2025 có những hướng tốt đẹp. Cụ thể, toàn ngành dệt may đang rất nóng lòng để xem trong những ngày đầu nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thực hiện những tuyên bố trước đó hay không. Bởi vì nếu Mỹ đánh thuế vào hàng Trung Quốc, với mức thuế dự kiến là 60% thì một số quốc gia khác cũng có thể chịu mức thuế từ 10 – 20%. Đặc biệt, Việt Nam có khả năng cao chịu thuế khoảng 10%.

Theo ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh văn phòng HĐQT Vinatex, tại Mỹ, hàng dệt may của Trung Quốc hiện dẫn đầu, với thị phần trên 20%, trong khi Việt Nam đứng thứ hai, với thị phần gần 20%. Do đó, khi Trung Quốc mất lợi thế, kỳ vọng dệt may của nước ta có thể giành lại thị phần tốt hơn tại Mỹ, khi tuân thủ tốt quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng…

Trước những diễn biến mới của thị trường, Vinatex đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đón bắt đơn hàng quay trở lại. Cụ thể, ngành may giữ được đà tăng trưởng, với hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý III/2024 và không có đơn vị nào bị lỗ trong năm 2024. Đặc biệt, ngành sợi đã giảm tới 90% lỗ so với năm trước. Tuy nhiên, ngành này vẫn phải đối mặt với khó khăn kéo dài nên dẫn đến sản xuất kinh doanh chưa có hiệu quả. Trong năm 2024, ngành sợi dự kiến lỗ 100 tỷ đồng, trong khi năm 2023 lỗ hơn 700 tỷ đồng.

Theo thông tin từ lãnh đạo Vinatex, tập đoàn đã vượt qua khó khăn trong năm 2024, với kết quả doanh thu hợp nhất ước đạt là 18.100 tỷ đồng, tương ứng với 102,8% so với năm 2023; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm trước. Đặc biệt, thu nhập bình quân của người lao động Vinatex đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, tương ứng 108,9% so với năm 2023. Theo thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng Tết của người lao động trong hệ thống Vinatex ước đạt bình quân hơn 18 triệu đồng/người, tương ứng với 1,5 – 2 tháng lương.


(0) Bình luận
Một ngành của Việt Nam lần đầu vào Top 2 thế giới, cơ hội giành thị phần rất lớn ở Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO