Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam trong tháng 7 đạt 141.006 tấn với kim ngạch hơn 54,6 triệu USD, tăng 30,6% về lượng và tăng 17,1% về trị giá so với tháng 6/2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu được hơn 391,05 triệu USD từ xuất khẩu phân bón với 942.576 tấn, giảm 15% về lượng và giảm 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi xuất khẩu phân bón sang các quốc gia đều giảm thì duy nhất có một quốc gia đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Cụ thể trong tháng 7, xuất khẩu phân bón của Việt Nam sang thị Campuchia đạt 49.733 tấn với kim ngạch hơn 19,6 triệu USD, tăng 53,7% về lượng và tăng 41,71% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón các loại sang Campuchia đạt 341.219 tấn và đạt kim ngạch 142,6 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và nhưng giảm 11,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu mặt hàng này sang Campuchia đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này sang quốc gia láng giềng đạt 418 USD/tấn, giảm đến 30% so với 7T/2022.
Campuchia cũng là quốc gia nhập khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam với thị phần 36% cả về lượng lẫn kim ngạch, tăng mạnh từ mức 27,1% và 22% về lượng và kim ngạch trong năm 2022. Trong năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này sang Campuchia đạt 483.883 tấn với kim ngạch hơn 254,8 triệu USD.
Ở chiều nhập khẩu, trong tháng 7, tổng lượng nhập khẩu phân bón đạt 306.179 tấn với kim ngạch 86,4 triệu USD, giảm 26,3% về lượng và giảm 34,2% về trị gái so với tháng trước đó. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường đạt hơn 2 triệu tấn với hơn 674,8 triệu USD, tăng 2,8% về lượng nhưng giảm 26,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, giá phân bón đã tăng mạnh trước các yếu tố nguồn cung từ các nhà cung cấp lớn như Nga và Trung Quốc cùng với khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Bước sang năm 2023, tình hình đã được cải thiện và giá giảm mạnh so với năm 2022 do Nga tăng cường xuất khẩu và các vấn đề thiếu hụt năng lượng ở châu Âu dần được tháo gỡ.
Bên cạnh đó một số nhà máy sản xuất phân bón mới bổ sung trong giai đoạn 2020-2022 ở Ấn Độ, Nigeria, Brunei, 3 nhà máy ở Nga và 10 nhà máy ở Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm nay, bởi vậy nguồn cung phân bón được dự kiến sẽ dồi dào trên toàn cầu.
Kể từ đầu năm đến nay, giá phân bón trong nước đã giảm từ 30-40% so với cùng kỳ. Theo nhận định của nhiều công ty nghiên cứu thị trường, giá phân bón trong những tháng cuối năm sẽ tăng nhẹ theo xu hướng biến động của giá than và khí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Ngoài ra, việc Nga áp đặt hạn ngạch mới cho xuất khẩu phân bón áp dụng từ ngày 1/6 đến ngày 30/11/2023 cũng là yếu tố có thể khiến giá phân bón tăng trong những tháng cuối năm.